Sách Thánh là một cuốn sách mà tôi có thể đọc ban đầu như đọc các sách khác. Có một bản văn để tìm tòi, tìm hiểu để đi sâu hơn mãi trong đó. Khởi sự, cần có có một thái độ tiếp nhận, một cách nghe thiện cảm đối với bản văn và sứ điệp nó trao gửi cho ta.
2. ĐỌC SÁCH THÁNH
Tôi không đọc Sách Thánh như đọc báo (để lấy tin tức) hoặc như đọc một tập san chuyên môn (để thu thập kiến thức mới). Khi đọc Sách Thánh, tôi tiếp xúc với một kinh nghiêm sống sâu xa, tôi ở trước một bản văn nói lên một điều gì về ý nghĩa của đời sống, nó chất vấn độc giả và mời gọi họ sống tốt hơn.
Kinh nghiệm sống mà Sách Thánh kể lại, trước hết là của một Dân, một dân tộc nhỏ bé miền Trung Đông đang đọc lại lịch sử của họ dưới ánh sáng niềm tin Thiên Chúa. Sách Thánh không phải là một thiên phóng sự trực tiếp về các biến cố. Sách Thánh nói với ta điều người ta đã khám phá được đàng sau các biến cố lịch sử, dưới ánh sáng niềm tin.
Như vậy Sách Thánh là một cách giải nghĩa , cách hiện tại hóa một biến cố đã sống.Và mỗi lần đọc hoặc đọc lại các biến cố đó trong Sách Thánh thì cũng giả thiết là giải nghĩa và hiện tại hóa. Vì thế, đôi khi nên dựa vào một vài quy tắc giúp ta giải nghĩa cho đúng các bản văn . Đây là một số quy tắc đó :
2.1 Tìm hiểu nghĩa chữ
Chữ của Sách Thánh nói với tôi điều đã xãy ra, các sự kiện lịch sử… Việc mặc khải được tiến hành từ từ và Chúa không nói hoặc không làm hết trong một lúc. Nên lưu ý đến tính tiệm tiến đó. Để đọc một bản văn cho đúng, cần phải phân biệt các thể văn, hiểu bản văn trong bối cảnh lịch sử nào đó ( xem điểm 5 ở phía dưới)
2.2 Khám phá ra nghĩa thiêng liêng
Là nghĩa bên trong của bản văn : Sách thánh không chỉ là một tập sách, mà còn là Lời của Chúa được viết ra. Đọc Sách Thánh là đón nhận Lời Thiên Chúa đã nói ra theo dòng thời gian, một LỜI đầy sinh lực dẫn ta tiến bước tới sự tròn đầy của việc Mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô. Cuối cùng Sách Thánh mặc khải cho ta Mầu nhiệm Đức Kitô và Giáo Hội , nội dung đức tin của ta. Theo nghĩa đó, có một sự thống nhất giữa Cựu ước và Tân ước, bởi vì cả hai đếu nói đến việc Đức Giêsu Kitô ngự đến, hành động và làm cho ta khám phá ra Người.
2.3 Chúa muốn nói với tôi điều gì qua bản văn này?
Vì ý định Thiên Chúa đã tỏ ra nơi Đức Giêsu Kitô có nghĩa phổ quát và bao gồm hết mọi người, nên Lời có gì đó để nói với mọi người. Lời Chúa trải qua muôn ngàn thế hệ. Bởi vậy ta có thể để những gì mình đọc tác động đến nội tâm và coi xem những lời đó đụng tới ta ở điểm nào, chât vấn ta, giúp ta hoán cải và bước theo Đức Kitô cách cụ thể, trong đời sống đức tin, đức ái và đức cậy, cho đến ngày ta được hoàn toàn thuộc về Đức Kitô, Chúa ta.
3 . ĐỌC LỜI CHÚA TRONG GIÁO HỘI
Theo mức độ ta đón nhận Lời, Lời có thể biến đổi đời ta thực sự. Đó là một phương tiện để ta gặp nhau theo nhóm, theo cộng đoàn. Lời chúa cho ta hiểu biết nhau hơn và mở lòng ta ra cho hoạt động của Chúa và cho sự hiện diện của người.
Lời chúa được trao phó cho Giáo Hội, nên cũng nhờ Giáo hội mà chuyển đạt cho ta. Cách giải thích đúng đắn Lời chúa đuợc huấn quyền của Giáo Hội thực hiện. Huấn quyền không ở trên Lời Chúa, nhưng phục vụ Lời, nghe Lời và trình bày Lời cách trung thực và có Thánh Linh phù trợ.
4. MỘT SỐ NGUY CƠ NÊN TRÁNH
4.1 Bỏ Cựu ước để chỉ lo đến Tân ước. Nói là Cựu không có nghĩa là hết thời, nhưng là một trương lực hướng tới cái mới và còn phải tiếp tục.
4.2 Đọc Sách thánh mà chỉ quan tâm về mặt lịch sử và quên rằng cuốn sách này là tấm gương phản chiếu việc Chúa mặc khải cho một dân tộc ( xem bài 7). Sách thánh ghi lại lịch sử một dân tộc , nhưng không nhằm chủ yếu cung cấp cho ta sự hiểu biết lịch sử nhờ vào các tư liệu của thời đại
4.3 Đọc Sách Thánh mà bám sát theo nghĩa đen và không lưu ý đến các thể văn trong đó. Một cách đọc sát chữ có nguy cơ quên rằng giữa Sách Thánh và chúng ta có một khoảng cách cần biết tôn trọng, khoảng cách không gian , thời gian, não trạng, cấu trúc và nội dung.
4.4 Đọc sách thánh mà thiêng liêng hóa tức khắc, nghĩa là gạt đi tất cả nền tảng của lịch sử Thánh Kinh, hòng lấy ra tức khắc một bài học thiêng liêng và đạo đức thôi. Nguy cơ là kéo Sách Thánh về phía mình và sử dụng cho mục đích hoàn toàn riêng tư.
4.5 Dùng Sách Thánh để hợp lý hóa các thực hành của ta. Dĩ nhiên, Sách Thánh tạo hứng khởi cho việc thực hành của ta, nhưng nguy cơ là chúng ta đi ngược chiều, nghĩa là đi tìm trong Sách Thánh nguyên những gì hợp thức hóa cho ta và cuối cùng tránh né tất cả những gì Lời chúa chất vấn hành động của ta và mời gọi ta hoán cải.