“Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lk 18:8).
Câu Chúa Giêsu nói với các môn đệ là một cảnh giác cho mọi Kitô hữu, nhất là cho những vị lãnh đạo Giáo Hội ở mọi thời.
Trong dịp nhìn lại chương trình giáo dục Công Giáo, chúng ta nhìn lại tầm quan trọng của việc giảng dạy giáo lý trong lịch sử Giáo Hội.
Dạy Giáo Lý: Sứ Mạng Quan Trọng của Giáo Hội
Ta tự hỏi: tại sao việc dạy giáo lý là một sứ mạng rất quan trọng của Giáo Hội?
Có thể là không quá đáng khi nói rằng công việc dạy giáo lý là nhịp thở của Giáo Hội trong mọi hoàn cảnh. Việc dạy giáo lý từ xưa vẫn được coi là mạch máu đem lại sức sống cho Giáo Hội và cho mọi Kitô hữu. Tại sao? Vì giáo lý chuyển tải những gì cần thiết cho Kitô hữu biết để sống và để được lãnh nhận ơn cứu rỗi.[1]
Dĩ nhiên giáo lý tự nó không là mạch sống hay hơi thở của Giáo Hội, vì Chúa Giêsu Kitô là nguồn sống của Giáo Hội. Nhưng giáo lý là phương tiện mà nội dung nó chuyển tải là linh hồn của Giáo Hội: Lời Chúa, chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa, ý định của Thiên Chúa được Giáo Hội giải thích. Nói cách khác, giáo lý dạy tín lý và luân lý của đạo Chúa Giêsu Kitô được Thiên Chúa mặc khải qua chính con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, và được truyền lại qua các tông đồ, qua các đấng kế vị, qua toàn dân Chúa trong Giáo Hội.
Giáo lý đem lại kiến thức cho con người khi họ đến với Thiên Chúa, đem lại lý luận cho niềm tin khi họ phó thác mình cho Thiên Chúa, và đem lại ơn cứu rỗi khi họ sống những gì họ biết và tin.
Vì lý do này, giáo lý đóng vai trò trọng yếu trong đời mọi Kitô hữu.
Trong Kinh Thánh
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa truyền cho dân Do thái: “Hãy tập hợp dân lại cho Ta; Ta sẽ cho chúng nghe những lời của Ta, để chúng học cho biết kính sợ Ta mọi ngày chúng sống trên mặt đất, và để chúng dạy cho con cái chúng.” (Deut 4;10) và “Anh em phải dạy những lời ấy cho con cái, mà nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy. Anh em phải viết lên khung cửa nhà anh (em) và lên cửa thành của anh (em).” (Deut 11:19-20).
Giáo lý được bắt đầu từ trong gia đình, và là mệnh lệnh Chúa truyền cho mọi cha mẹ.
Trong Tân Ước, ta đọc thấy Chúa Giêsu đi rao giảng tin mừng, và Ngài giảng dạy như Đấng có quyền (Matt 9:35; Mark 1:21; Luke 21:37). Bài giảng trên núi (hay ta thường gọi là Tám Mối Phúc Thật) (Matt 5:2) là một bài giáo lý thu nhỏ. Chúa Giêsu đi rao giảng và dạy cho người ta biết ý định của Thiên Chúa để sống. Ngài thường xuyên nói với các môn đê: “anh em nghe nói… còn Thầy dạy cho anh em biết…” (Mt 5:21, 27, 33, 38, 43; Lk 7:9, 22; 12:3; 18:22; Jn 5:37; 8:26, 38). Và trước khi về trời Chúa Giêsu giao trách nhiệm giảng dạy cho các môn đệ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mat 28:19-20).
Thư thứ nhất thánh Phêrô cũng căn dặn các tín hữu: “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pet 3;15).
Trong Giáo Hội
Công việc dạy giáo lý được thực hiện vào những ngày đầu trong lịch sử Giáo Hội. Sau khi các tông đồ đi rao giảng tin mừng (kerygma – là công bố tin mừng), thì trách nhiệm kế tiếp là giảng dạy cho Kitô hữu nội dung tin mừng các Ngài công bố.
Cuối thế kỷ thứ nhất, ở Syria, người ta tìm được tài liệu những lời giảng dạy của các tông đồ trong một cuốn gọi là “Didaché” (nghiã là những lời dạy).[2]Sách này ghi lại những lời dạy dành cho những ai muốn trở nên Kitô hữu, hay những tân tòng cần biết thêm về đức tin.
Trong thế kỷ thứ 2 và 3, số người theo Kitô giáo gia tăng, Giáo Hội đã bắt đầu thiết lập một cơ cấu tổ chức để đáp ứng nhu cầu này. Với những người hướng dẫn, Giáo Hội cung cấp cho họ một số những nguyên tắc cơ bản để giảng dạy. Với những tân tòng, Giáo Hội đặt ra những tín lý đơn giản, dễ nhớ (không hẳn là dễ hiểu) để họ tin theo.
Danh từ “giáo lý” dù không được dùng trong thời gian này, nhưng có những hình thức đồng dạng mà sau này ta gọi là “giáo lý”, được tìm thấy trong những bài giảng dạy của các thánh giáo phụ thời bấy giờ. Nội dung là nói đến những mầu nhiệp của đức tin (hay gọi là mystagogia) cho những người chuẩn bị rửa tội, tham dự thánh lễ, và những tân tòng.
Các bài giảng hay lý luận của các thánh giáo phụ, như thánh Cyril thành Jerusalem, thánh Ambrosiô, thánh Augustino…(thường là những bài suy niệm về các bí tích, hay biện luận chống lại những lạc giáo) là những tài liệu giáo lý quí báu cho Giáo Hội.
Sau khi đại đế Constantine hợp thức hoá Kitô giáo năm 313 (không còn bắt bớ các tín hữu), đạo Chúa phát triển nhanh và mạnh. Khoảng hơn 100 năm sau, đầu thế kỷ thứ 5, số người lớn theo học đạo ít dần (vì phần lớn họ đã theo rồi), nên chương trình giáo lý chuyển trọng tâm cho trẻ em từ sau khi rửa tội cho đến thiếu niên. Việc dạy giáo lý tập trung vào các giờ thờ phượng, qua các bài giảng, kinh nguyện, nhạc, hay những nghi thức trong phụng vụ.
Thế kỷ 5, thánh Augustinô đã đáp lại yêu cầu của những giảng viên dạy giáo lý xin Ngài cho họ một nội dung để giảng dạy nhằm chống lại những lạc giáo thời bấy giờ. Ngài viết nhiều bài biện luận và giảng nhiều bài giảng với nội dung đào sâu đức tin của những Kitô hữu chưa hiểu được sứ điệp Chúa Kitô hay đang bị lạc giáo chinh phục. Trong tác phẩm De catechizandis rudibusthánh Augustinô bắt đầu với lịch sử ơn cứu chuộc. Ngài lý luận rằng ơn cứu chuộc đến từ việc Con Thiên Chúa tự hiến mình làm người (nhập thể), và tự vâng phục Thiên Chúa Cha đến chết trên thập giá. Chính từ tình yêu và bác ái của Chúa Giêsu Kitô mà con người được lãnh nhận ơn cứu rỗi.[3]
Đến thế kỷ thứ 9, Alcuino cũng đã soạn thảo và hiệu đính cuốn Disputatio puerorum per interrogationes et responsiones[4](Tìm hiếu cho trẻ em dưới dạng hỏi và đáp). Phần này bao gồm lịch sử cứu chuộc, những tín lý của Giáo Hội, các bí tích, kinh Tin Kính, kinh Lạy Cha. Trong sách gồm nhiều câu Hỏi-Đáp, và là tiền đề cho những sách giáo lý sau này. Cuốn này được sử dụng rộng rãi cho đến thế kỷ 12. Điều đặc biệt là sách được soạn theo ngôn ngữ địa phương để người học có thế hiểu, không phải là ngôn ngữ Latin như phụng vụ.
Điều đáng nói là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 10, Giáo Hội lớn mạnh và có uy thế về chính trị. Hầu như mọi người dân trong vùng Âu châu đều là Kitô hữu hay dưới sự kiểm soát an ninh và chính trị của Giáo Hội Công giáo. Vì “tự mãn” với thành công này, công việc dạy giáo lý không còn được quan tâm như trước. Kitô hữu giữ đạo nhưng theo thói quen nhiều hơn là ý thức. Kitô hữu hoặc lơ là với thánh lễ, hoặc có tham dự lễ nhưng không rước lễ vì sợ mình tội lỗi, khiến nhiều người không đến nhà thờ, hay đến với thái độ tiêu cực.
Vì thế, công đồng Lateranô IV (1215) đã đòi hỏi mỗi Kitô hữu phải xưng tội và rước lễ mỗi năm ít là một lần như một dấu chỉ còn hiệp thông với Giáo Hội (khoản luật số 21).
Đến lúc này, Giáo Hội nhận thấy tầm quan trọng phục hồi việc giảng dạy giáo lý nhằm nâng cao trình độ hiểu biết đức tin của giáo dân, vì như người Việt ta thường nói: vô tri bất mộ.
Thế kỷ 12, Peter Lombard viết Libri Sententiarum[5] gồm những câu chất vấn quan trọng cho người chịu phép rửa tội hay cho những ai cần biết về giáo huấn của Giáo Hội sau khi đã chịu phép rửa tội. Đây là một hình thứcHỏi-Đáp dễ hiểu dành cho người đọc, nhưng nội dung trình bày không dễ nhớ vì có nhiều chi tiết thần học chuyên môn vững chắc. Đây cũng là tác phẩm được dùng để giáo dục các linh mục, tu sĩ về kiến thức cơ bản thần học. Bên cạnh đó, những tác phẩm khác như “Lucidari” và “Septenari”[6]cũng soạn cùng một mục đích là dạy cho giáo dân biết thêm về đức tin của mình.
Giữa thế kỷ 13, thánh Tôma Aquinô biên soạn những tác phẩm thần học xuất sắc và chuyên môn mà giá trị vẫn còn tồn tại đến ngày nay trong Giáo Hội. Những tác phấm này phức tạp, khó hiểu nên không phổ biến cho người bình dân đọc.[7] Tuy vậy, Ngài cũng có những bài giảng hay suy niệm kinh thánh với cách thức giản dị và ngôn ngữ bình dân. Cách thức giải thích của Ngài hợp với phương thức dạy giáo lý: Ngài nói đến những gì phải tin (tín lý trong Kinh Tin Kính), những gì con người Hy Vọng (trong kinh Lạy Cha), những gì con người phải làm theo (Mười Điều Răn), và hồng ân Chúa cho mọi đời sống Kitô hữu (các bí tích).[8]
Đến thế kỷ 14 tổng giám mục Thoresby của giáo phận York (Anh quốc) tìm cách chấn chỉnh đời sống đạo của giáo dân vùng York, đã cho xuất bản cuốn sách theo hình thức giáo lý dành cho giáo dân (năm 1357), bao gồm những giải thích trong Kinh Tin Kính, các Bí Tích, Mười Điều Răn, Bảy Mối Tội Đầu, và Bảy Nhân Đức cơ bản. Sách được in bằng 2 ngôn ngữ: Latin và tiếng Anh. Bản Latin cho tu sĩ, và bản Anh ngữ cho người bình dân dễ đọc.[9]
Đến năm 1368, hội đồng giám mục họp ở Lavaur (Narbonne)[10] lại soạn ra một chương trình giáo lý, không phải cho giáo dân mà cho tu sĩ dùng làm tài liệu dạy giáo dân, Catechismus Maior. Tài liệu này nhắm giải thích nội dung của giáo lý, và được dùng để dạy cho giáo dân trong ngày Chúa Nhật và những ngày lễ trọng.
Trong thế kỷ 15, một quyết định quan trọng của Công đồng Tortosa (1429) nói đến chọn lọc tóm lược một cách ngắn gọn và hữu dụng những tín lý Kitô giáo, được gọi là “giáo lý tóm lược”.[11]
Đến đầu thế kỷ 16, kỷ nghệ in ấn ra đời. Đây là phương tiện tốt để Giáo Hội phổ biến rộng rãi những giáo huấn quan trọng.
Cũng đầu thế kỷ 16, Martin Luther cầm đầu nhóm Cải Cách chống đối Giáo Hội Công Giáo và tách riêng thành lập Nhóm Cải Cách (hay ta gọi là Tin Lành ngày nay). Luther lên án những tệ nạn trong Giáo Hội Công Giáo thời đó, sửa đổi một vài những cắt nghĩa thần học khác với Công Giáo, bất tuân phục đức giáo hoàng, và tổ chức thành lập Giáo Hội riêng.
Đứng trước những thách đố này, Giáo Hội họp công đồng Trentô (1545-1563) để tìm cách bảo vệ đức tin người Công giáo trước những tấn công về mặt tín lý và luân lý của nhóm Cải Cách Tin Lành thời đó. Giáo Hội quan tâm đặc biệt đến chương trình giáo lý cho toàn thể Giáo Hội, và vì thế một cuốnGiáo Lý Công Giáo được soạn thảo để đáp ứng nguyện vọng này.
Năm 1566, cuốn sách tên chính thức là Catechismus ex Decreto Concilii Tridentini ad Parochos, được nhiều người biết đến với tên Giáo Lý của Thánh Piô V, hay gọi là Giáo Lý Roma.[12]Cuốn Giáo LýCatechismus Maiornày được soạn cho các cha sở với mục đích giúp họ dạy đức tin cho giáo dân.
Về nội dung, Giáo Hội soạn giáo lý dựa theo những gì Giáo Hội nghĩ là người Công giáo cần biết để tránh những lạc giáo và những vu cáo của nhóm Cải Cách Tin Lành bấy giờ.
Về phương thức, cuốn giáo lý được trình bày với hình thức Hỏi-Đáp dễ hiểu và dễ nhớ để giáo dân dễ phổ biến cho nhau. Những người Việt Nam chúng ta trước đây vẫn hay ngâm nga những câu giáo lý như:
Hỏi: Có mấy Đức Chúa Trời.
Thưa: Có một Đức Chúa Trời mà thôi.
Hỏi: Đức Chúa Trời có mấy ngôi?
Thưa: Có ba ngôi. Ngôi thứ nhất là Cha… v.v..
Các linh mục cũng được chỉ thị phải dạy giáo lý cho giáo dân mỗi Chúa nhật.
Cũng trong thời kỳ này, Giáo Hội đang lớn mạnh nhờ các vị truyền giáo từ Âu châu đi đến Mỹ Châu và Á Châu. Các linh mục thừa sai, với sự khôn ngoan và kỷ xảo riêng, đã bằng mọi cách soạn những cuốn giáo lý cho người địa phương học biết đạo Chúa.
Ở Việt Nam chúng ta, các nhà truyền giáo đã dùng chữ quốc ngữ để truyền đạt giáo lý, lại còn dùng vè hay thơ văn để giúp người nghe dễ nhớ, dễ hiểu.[13]
Không chỉ Giáo Hội Công giáo hiểu được tầm quan trọng của việc giảng dạy giáo lý, mà phong trào Cải Cách Tin Lành cũng hiểu sự cần thiết này. Năm 1529, Martin Luther đã làm hai cuốn giáo lý cho những người theo phong trào Cải Cách, một cho người lớn và một cho trẻ em. Khi phong trào Cải Cách lan rộng sang Anh quốc, Thomas Cranmer cũng soạn một cuốn giáo lý và sách nguyện cho người theo giáo phái này (năm 1549).
Từ Trent đến nay
Sau công đồng Trent (thế kỷ 16), Giáo Hội đòi hỏi các linh mục phải dạy trong các ngày Chúa Nhật và lễ trọng giáo lý của Giáo Hội để giáo dân hiểu và sống tin mừng. Năm 1742, đức giáo hoàng Benedictô XIV ra tông thư Etsi minime trong đó Ngài nói đến thái độ thờ ờ của giáo dân đối với những gì liên quan đến Tin Mừng mà nguyên nhân là do thiếu học hỏi giáo lý. Vì thế Ngài yêu cầu hai điều (1) giảng dạy giáo lý cho giáo dân trong mọi ngày Chúa nhật và lễ trọng, và (2) giảng dạy giáo lý cho những ai không biết Luật Chúa.
Đức Benedict XIV nhấn mạnh rằng nếu một em nhỏ không có kiến thức cơ bản tín lý của Giáo Hội và luật của Chúa, em không được lãnh nhận bí tích thánh thể (Rước Lễ Lần Đầu) và không được nhận bí tích Thêm Sức. Các linh mục giải tội không ban phép tha tội cho những ai không hiểu ý nghĩa và những ràng buộc của bí tích hoà giải. Và cha sở không làm phép cưới cho những ai không biết những điều căn bản cần thiết để được rỗi linh hồn. Và Ngài kết luận là trên đời này không có gì quan trọng hơn việc học hỏi giáo lý để biết thêm về Thiên Chúa, về luật của Chúa và Giáo Hội, về những gì cần làm để được sự sống đời đời.[14]
Hợp ý với đức Benedict XIV, đức giáo hoàng Clement XIII đã ra tông thư In Dominico agro (1761) nói đến những lạc giáo và nhầm lẫn vì không học hỏi giáo lý theo như đòi hỏi của công đồng Trent.
Đức giáo hoàng Pius IX (1846-1878) cũng lặp lại sự cần thiết của việc dạy giáo lý, nhất là cho nhi đồng và giới trẻ.
Đức giáo hoàng Pius X quan tâm đến việc dạy giáo lý cho trẻ em và cho phép các em được rước lễ ở lứa tuổi khôn (khoảng 6-8 tuổi), và tông thưAcerbo nimis (1905) là tiền đề cho việc soạn sách giáo lý sau này. TrongAcerbo nimis, đức giáo hoàng nhắc nhở một cách cụ thể là hằng tuần phải có lớp giáo lý cho trẻ em (ít là một giờ), trong năm phải có lớp giáo lý cho các em Rước Lễ và Thêm Sức, trong mùa Chay và mùa Phục Sinh phải có những giảng dạy thích hợp cho giáo dân, trong các trường đại học phải có những lớp dạy về đức tin và luân lý Công giáo, và sau cùng, đây là trách nhiệm của mọi Kitô hữu.[15]
Đức giáo hoàng Pius XI (1922-1939) tiếp tục những gì Pius X đã làm, và còn chuẩn nhận luật Provido sane concilio trong đó đòi hỏi các giám mục phải báo cáo tình hình giảng dạy giáo lý trong giáo phận cứ 5 năm một lần. Bản báo cáo có cụ thể 20 câu hỏi liên quan đến giáo lý trẻ em, và 4 câu hỏi liên quan đến giáo lý cho người lớn.
Việc làm của các đức giáo hoàng trên cũng được đức giáo hoàng Gioan XXIII tiếp tục vì sau khi khai mạc công đồng Vatican II, Ngài cũng quan tâm đặt biệt đến vấn đề giảng dạy giáo lý cho mọi Kitô hữu. Chỉ tiếc Ngài đã qua đời trước khi thực hiện ý định này.
Kết Luận
Công việc giảng dạy giáo lý luôn là công tác hàng đầu trong Giáo Hội. Vatican II không chỉ phục hồi tinh thần giảng dạy giáo lý của những công đồng trước mà còn thay đổi nội dung và phương thức giảng dạy cho hợp với thời đại.
Câu hỏi đặt ra là tại sao có những lúc lời giảng dạy của Giáo Hội không được hiểu thấu đáo hay bị xuyên tạc bởi những thế lực bên ngoài. Làm thế nào để Kitô hữu có thể nhận biết được tính xác thực của giáo huấn?
Cách hay nhất để chỉnh đốn những sai lạc này là cần có một giáo huấn chung như cơ sở để tham khảo và kiểm tra tính trung thực của lời dạy. Ý tôi muốn nói là cần có một cuốn Giáo Lý Công Giáo chung cho toàn thể Giáo Hội tra cứu khi có vấn nạn liên quan đến tín lý và luân lý.
Đây cũng là quan tâm đặc biệt của hai vị giáo hoàng kế tục đức Phaolô VI và đức Gioan Phaolô II, mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài kế tiếp.
[1] Từ Giáo Lý được dùng với nghĩa rộng, nghĩa là tất cả những giáo huấn của Giáo Hội muốn giảng dạy cho Kitô hữu. Danh từ không chỉ hạn hẹp ở những chương trình dạy giáo lý cho trẻ em như ta thường hiểu trong các sinh hoạt giáo xứ, mà nói đến nội dung giảng dạy của Giáo Hội cho mọi cấp bậc.
[5] Xem Petri Lombardi, Libri IV Sententiarum, t. II, dist. VI, Cap. VII.
[6] Xem P.L., t. 172, cc. 1109-1176 and t. 175, cc. 405-414.
[7]Thánh Tôma Aquinô (1225-1274) được xem là thần học gia vĩ đại của Giáo Hội. Ngài viết rất nhiều tác phẩm, trong đó đáng kể là Nguyên Lý Tự Nhiên -De principiis naturae (1255), Những Tranh Luận về Chân Lý – Quaestiones disputatae de Veritate (1256-1259), Vấn Nạn Ngoại Giáo – Tractatus de fide catholica, contra Gentiles (1261-1263), Những Tranh Luận về Sự Dữ – Quaestiones disputatae de malo (1269-1272), Những Tranh Luận về Nhân Đức- Quaestiones disputatae de virtutibus (1269-1272), và nhất là bộ thần họcSumma Theologica (1265-1272).
[8]Xem Tommaso D Aquino, Fede e opere…, a cura di E. Sonzini, Rome 1981, Tommaso D’Aquino, Opera Omnia, t. XXVII.
[9] Nên nhớ là những tác phẩm liên quan đến việc dạy giáo lý trước đây cũng đã làm theo ngôn ngữ điạ phương vì không nhiều người biết Latin. Riêng bản Anh ngữ của tổng giám mục Thoresby được John of Tavistock, một tu sĩ Biển Đức, dịch từ bản Latin. Cả hai bản được xuất bản tháng 11 năm 1373.
[12] Xem Catechismus Romanus seu Catechismus ex Decreto Concilii Tridentini ad Parochos Pii Quinti Pont. Max. Iussu Editus, Edit. praefuit P. Rodriguez…, LEV et E.U. Navarra 1989.
[13] Đức chaA-Lịch-Sơn Đắc-Lộ Alexandre de Rhodes (1591-1660) đã soạn cuốn giáo lý Cathechismus có tên tiếng Việt đầy đủ ngay trang đầu là Phép giảng tám ngày cho kẻ muốn chịu phép Rửa tội mà vào đạo thánh Ðức Chúa Trời.