Thứ Sáu Đầu Tháng là ngày Thứ Sáu đầu tiên của tháng và thường được đánh dấu bằng lòng sùng kính đặc biệt đối với Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì Ngài đã chết cho chúng ta và đem lại Ơn Cứu Độ cho chúng ta vào ngày Thứ Sáu. Mỗi Thứ Sáu trong năm, chứ không chỉ các Thứ Sáu trong Mùa Chay, là ngày sám hối đặc biệt được quy định trong Giáo Luật: “Những ngày và giờ sám hối trong Giáo Hội hoàn vũ là các ngày Thứ Sáu trong cả năm và Mùa Chay.” (Điều 1250)
Thánh Margarita Maria Alacoque (1647-1690) kể lại những thị kiến về Chúa Giêsu Kitô, hướng dẫn bà cổ vũ việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu trong chín ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp để đền tội và bày tỏ tình mến đối với Chúa Giêsu.
Để đáp lại việc sùng kính này, thường bao gồm việc dâng lễ, rước lễ, xưng tội và thậm chí một giờ chầu Thánh Thể vào đêm trước ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, Đấng Cứu Thế chí thánh đã hứa với Thánh Margarita Maria Alacoque phép lành này: “Vì lòng thương xót vô biên của Trái Tim Ta, Ta hứa với con rằng tình yêu toàn năng của Ta sẽ ban cho tất cả những ai rước lễ vào các ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, trong chín tháng liên tiếp, ơn sám hối cuối cùng: họ sẽ không chết trong sự không hài lòng của Ta, hoặc không nhận được các bí tích. Trái Tim Ta sẽ là nơi trú ẩn an toàn của họ trong giờ cuối cùng đó.”
Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa được chính thức công nhận, nhưng lúc đầu không như vậy, vì Thánh Margarita đã gặp phải sự phản kháng và sự hoài nghi ngay từ đầu trong cộng đồng tôn giáo. Phải đến 75 năm sau khi bà qua đời, việc sùng kính Thánh Tâm Chúa vào Thứ Sáu Đầu Tháng mới chính thức được công nhận. Gần 240 năm sau khi bà qua đời, ĐGH Piô XI tuyên bố rằng Chúa Giêsu đã hiện ra với Thánh Margarita qua thông điệp “Miserentissimus Redemptor” (1928), tròn 8 năm sau khi bà được ĐGH Bênêđíctô XV tuyên thánh.
FRANCIS HOFFMAN
Rước lễ thứ Sáu đầu tháng
Thánh nữ Magarita Maria, tông đồ truyền bá lòng Tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu viết lại:
” Một hôm đang quì chầu mình thánh, Chúa Giêsu hiện ra, mặt người uy nghi sáng lángmở trái tim đang bầng bầng cháy và Chúa bảo tôi:
“Con yêu dấu, nghe lời cha dậy: Từ nay con chịu lễ các thứ Sáu để đền bù tội lỗi loài người xúc phạm đến Mình thánh Cha”.
Thánh nữ liền quyết giữ lời Chúa đã truyền cho đến chết.
Trong một sắc lệnh, đức Giáo hoàng đã khuyên giục các giáo dân hãy nhiệt tâm kính thờ Trái Tim Chúa Giêsu, và người đã nhấn mạnh về sự rước lễ thứ Sáu đầu tháng.
Ngày thứ Sáu đầu tháng, ai có thể, nên làm ít việc sau, tùy hoàn cảnh của mình:
1/ Suy ngắm về lòng nhân từ Chúa đã thương yêu ta, về sự bội bạc của ta đối với phép Mình Thánh.
2/ Dâng lễ, rước lễ đền tạ vì tội phạm đến Mình Thánh Chúa.
3/ Sau rước lễ, dâng hồn xác, gia đình mình cho Trái Tim Chúa.
4/ Ngắm đàng thánh giá để tưởng niệm cuộc thương khó Chúa.
Cũng nên kể thêm những ơn Chúa hứa ban cho những ai rước lễ thứ Sáu đầu tháng:
1/ Ai rước lễ 9 thứ sáu đầu tháng liền, sẽ được chết trong khi có nghĩa cùng Chúa.
2/ Chúa sẵn lòng nghe lời cầu xin của người xưng tội rước lễ và làm việc lành trong ngày thứ Sáu đầu tháng.
3/ Chúa sẽ thêm sức chịu mọi nỗi khó nhọc cay cực ở đời để lập công trên thiên đàng.
Thánh Tâm Chúa Giê-su – Ngày thế giới xin ơn thánh hoá các linh mục Ga 19,31-37
YÊU ĐẾN MỨC CHO ĐI TẤT CẢ
Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra. (Ga 19,34)
Suy niệm: “Bạn mới cho đi ít thôi khi bạn chỉ cho những gì bạn có. Khi bạn cho đi chính mình, bạn mới cho đi thực sự” (Kahlil Gibran). Món quà có giá trị nhất là trao ban cả sự sống của chính mình. Chúa Giê-su đã trao ban cho chúng ta món quà quý giá đó: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Ngài không chỉ chịu đóng đinh, chịu chết để cứu chuộc chúng ta, mà trên thập giá, Ngài còn chịu đâm thâu trái tim để, dù đã chết, Ngài vẫn trao ban cho chúng ta cả những giọt máu và nước cuối cùng. Bức ảnh “Thánh Tâm” với bàn tay Chúa cầm trái tim mình bên ngoài lồng ngực hẳn là bao hàm ý nghĩa đó.
Mời Bạn: Ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa cũng là ngày “Thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục”. Mọi Ki-tô hữu được mời gọi hiệp ý cầu nguyện cho các linh mục, để các ngài, là hiện thân của Chúa Ki-tô Linh mục, cũng mang trong mình Trái Tim Chúa Giê-su để hiến thân phụng sự thân thể của Ngài là Giáo hội cho đến hơi thở cuối cùng. Và nhờ đó, mọi tín hữu là những chi thể của Chúa Ki-tô cũng trở thành chứng nhân tình yêu của Trái Tim Chúa biết hy sinh quên mình phục vụ tha nhân.
Sống Lời Chúa: Thường xuyên nguyện tắt: Lạy Rất Thánh Trái Tim Chúa Giê-su, xin Chúa uốn lòng chúng con nên giống Trái Tim Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sắc tình yêu Thánh Tâm Ngài để chúng con có thể thông truyền tình yêu Chúa cho người khác. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
++++++++++++++++++
Suy niệm và cầu nguyện
Suy niệm:
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Thiên Chúa, phải đến với Giêsu.
Muốn nhìn thấy Trái Tim của Giêsu, chúng ta có thể đứng từ nhiều vị trí.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu cúi xuống trên những bệnh nhân và tội nhân,
trên người thu thuế và gái điếm, trên phụ nữ và trẻ em.
Thấy Trái Tim ấy khi Giêsu nuôi dân ăn no, hay rửa chân cho các môn đệ.
Nhưng có một chỗ đứng đặc biệt để nhìn thấu Trái Tim của Giêsu,
nhìn rõ Trái Tim đó vào lúc yêu bằng tình yêu lớn nhất,
chỗ đó là Núi Sọ, lúc đó là buổi chiều thứ sáu, áp lễ Vượt Qua,
khi đó Trái Tim ấy đã ngừng đập và bị đâm thâu.
Chỉ riêng Tin Mừng thứ tư kể lại chuyện Đức Giêsu bị đâm vào cạnh sườn,
khi Ngài chịu đóng đinh trên thánh giá.
Có Mẹ của Ngài và người môn đệ Ngài thương mến đứng gần bên.
Chính người môn đệ này đã chứng kiến tận mắt
và muốn làm chứng một cách nghiêm túc cho các môn đệ tương lai
về điều đối với ông thật là quan trọng, để họ cũng tin như ông (c.35).
Câu chuyện xảy ra thật là đơn giản.
Người Do thái muốn hạ xác các người bị đóng đinh xuống,
vì chiều thứ sáu là đã bắt đầu ngày sabát,
cũng là ngày đầu tiên của tuần lễ Vượt Qua, một đại lễ trong năm.
Thấy Đức Giêsu chết rồi, lính đã không đánh giập ống chân nữa.
“Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.
Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (c. 34).
Làm sao máu có thể chảy ra khi tim đã ngừng bơm máu và xác đã chết ?
Làm sao máu và nước có thể chảy ra một cách có vẻ biệt lập như vậy ?
Nhiều nhà khoa học đã tìm cách giải thích hiện tượng này,
và đối với họ điều này không phải là không có khả năng xảy ra,
đối với một người mới chết, đang ở tư thế thẳng đứng.
Người môn đệ được Chúa mến thương đã chứng kiến cảnh tượng ấy,
hẳn đã nhận ra và trân trọng ý nghĩa sâu xa của nó.
Giáo Hội vẫn coi các bí tích được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu.
Máu là máu của bí tích Thánh Thể, nước là nước của bí tích Thánh Tẩy.
Từ cạnh sườn Đức Giêsu chảy ra dòng nước mà Ngài đã hứa ban trước đây.
“Từ lòng Người sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống” (Ga 7, 38-39).
Dòng nước ấy là Thần Khí Ngài ban khi gục đầu tắt thở (Ga 19, 30).
Chính vào giờ Đức Giêsu chịu treo, người ta giết chiên Vượt qua để mừng lễ.
Đức Giêsu mới là Chiên Vượt qua đích thực (Ga 1, 29. 36).
Ngài chết như con chiên hiền lành bị đem đi giết, như người Tôi Trung (Is 53, 7).
Ngài chết như con chiên Vượt qua không bị đánh giập cái xương nào (c. 36).
Lễ Thánh Tâm cũng là ngày thánh hóa các linh mục.
Chúng ta cầu cho các linh mục có trái tim của Thầy Giêsu,
trái tim bị đâm thâu, nên đã mở ra để đón mọi người chẳng trừ ai,
trái tim yêu đến cùng, yêu bằng tình yêu lớn nhất, yêu đến hiến mạng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin ban cho chúng con những linh mục
có trái tim thuộc trọn về Chúa,
nên cũng thuộc trọn về con người.
Xin cho chúng con những linh mục
có trái tim biết yêu bằng tình yêu hiến dâng,
một trái tim đủ lớn
để chứa được mọi người và từng người,
nhất là những ai nghèo khổ, bị bỏ rơi.
Xin cho chúng con những linh mục biết cầu nguyện,
có tình bạn thân thiết với Chúa
để các ngài giới thiệu Chúa cho chúng con.
Xin cho chúng con những linh mục thánh thiện,
có thể nuôi chúng con bằng tấm bánh thơm tho,
tấm bánh Lời Chúa và Mình Chúa.
Cuối cùng, xin cho chúng con những linh mục
có trái tim của Chúa,
say mê Thiên Chúa và say mê con người,
hy sinh đời mình để bảo vệ đoàn chiên
và dẫn đưa chúng con
đến với Chúa là Nguồn Sống thật.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Lòng Tôn Sùng Thánh Tâm Chúa GIÊSU
… Chuyện thứ nhất Chết Lành Nhờ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng
Thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque (1647-1690) là vị tông đồ nhiệt thành truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa GIÊSU. Hay nói đúng hơn, Chúa GIÊSU đã chọn thánh nữ để tỏ bày Trái Tim Chí Thánh Từ Bi của Ngài cho toàn thể nhân loại. Thánh nữ trở thành sứ giả loan báo đặc ân Chúa GIÊSU dành cho những ai yêu mến và đền tạ Thánh Tâm Ngài. Trong lần hiện ra với thánh nữ vào một ngày Thứ Sáu năm 1688, Chúa GIÊSU long trọng phán:
“Trong mức độ tột cùng lòng từ bi Trái Tim Cha, Cha hứa với con rằng: Tình Yêu Toàn Năng Cha sẽ ban ơn hoán cải sau cùng cho những ai rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Những người này sẽ không chết khi còn mắc tội trọng nhưng sẽ được lãnh nhận các Bí Tích và trong giờ sau hết, Trái Tim Cha sẽ là nơi nương náu vững vàng nhất”.
Lời Chúa GIÊSU hứa đã thể hiện trải qua bao thế hệ và còn tiếp tục cho đến tận thế. Sau đây là một số trường hợp minh chứng.
.. Khi còn niên thiếu, sống trong nội trú, Matteo đã sốt sắng thi hành thói quen tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Nhưng khi rời ghế nhà trường, lăn lộn với đời, Matteo rơi vào nếp sống ăn chơi buông thả.
Chàng làm việc nơi ngân hàng, nhưng không bao lâu sau bị đuổi vì tính tình phóng túng. Chán nản, Matteo rời Ý sang sống tại Anh quốc. Nơi đây, chàng làm nghề hầu bàn, quét dọn phòng cho khách trọ. Không đầy một năm, thân tàn ma dại khi tuổi đời mới 23, Matteo thất thểu trở về nguyên quán.
Sức khoẻ hao mòn và thần chết thập thò trước cửa, nhưng tâm hồn Matteo chai cứng. Chàng giả điếc làm ngơ trước mọi lời nhắn nhủ, khuyên chàng trở về với Chúa, dọn mình xưng tội rước lễ lần cuối.
Nhưng Trái Tim Chúa GIÊSU hằng dõi bước chăm sóc người con tội lỗi, đã từng yêu mến Trái Tim Ngài. Chúa soi sáng cho vị linh mục đạo đức, bạn học của Matteo, đến thăm chàng. Matteo vui mừng tiếp chuyện vị linh mục trong tư cách ngài là bạn. Vì thế, vừa khi vị linh mục trẻ tìm lời khuyên bạn dọn mình xưng tội, Matteo nói ngay: “Nếu anh không còn gì để nói thì hãy đi đi. Tôi tiếp anh vì anh là bạn chứ không phải vì anh là linh mục. Vậy xin anh hãy ra khỏi nhà .. tôi không muốn nói chuyện với linh mục!”
Vị linh mục vẫn kiên trì không thối lui. Ngài tìm lời an ủi bạn. Matteo nổi giận quát lớn:
“Anh hãy im đi. Tôi đã nói là tôi không muốn tiếp chuyện linh mục mà! Anh có chịu ra khỏi nhà này hay không?” Vị linh mục đành nói: “Nếu quả thật bạn đuổi tôi, tôi xin chào vĩnh biệt bạn”. Nói xong, cha đứng lên bước ra khỏi phòng. Nơi ngưỡng cửa, cha quay lại nhìn bạn lần cuối rồi buột miệng thốt lên:
“Đây quả là lần đầu tiên không thực hiện lời Trái Tim Chúa GIÊSU đã hứa!”
Người bệnh ngạc nhiên hỏi: “Anh lẩm bẩm gì thế?” Vị linh mục tức khắc trở vào phòng, bước đến gần giường và lập lại: “Tôi nói rằng, đây có lẽ là lần đầu tiên không thực hiện lời Trái Tim Chúa GIÊSU đã hứa ban ơn chết lành cho những ai rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp”. Người bệnh vặn hỏi: “Điều đó có dính dự gì tới tôi mà anh phải nói thế?” Vị linh mục đáp nhanh: “Sao lại không! Bạn không nhớ hồi ở nội trú, chúng mình đã từng rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp hay sao? Bạn thi hành thói quen đạo đức này với trọn lòng kính mến Thánh Tâm Chúa GIÊSU, như lời Chúa mời gọi. Vậy mà giờ đây, bạn chống cưỡng ơn thánh, không muốn trở về với lòng từ bi bao la của Thánh Tâm Chúa GIÊSU!”
Người bệnh lặng lẽ nghe và hai hàng nước mắt chảy dài trên má. Chàng vừa khóc vừa nói: “Bạn hãy mau mau giúp tôi, đừng bỏ rơi người bạn khốn cùng đáng thương! Xin bạn mời vị linh mục ở giáo xứ gần đây, đến ngay giúp tôi dọn mình chết lành”.
Chàng thanh niên Matteo đã lãnh nhận đủ các Bí Tích sau cùng và êm ái trút hơi thở trong ơn nghĩa Chúa, đúng như lời Thánh Tâm Chúa GIÊSU đã hứa cho những ai sốt sắng rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.
… Chuyện thứ hai xảy ra tại Guadalajara, nước Mễ-Tây-Cơ.
Một tín hữu Công Giáo đã từng theo hội tam điểm đang hấp hối. Hai thành viên của hội có nhiệm vụ ngày đêm túc trực bên giường, hầu không vị linh mục Công Giáo nào có thể đến gần. Đối với họ, việc từ bỏ “hội kín” vào giây phút cuối đời và ăn năn trở lại với Chúa GIÊSU KITÔ và với Hội Thánh Công Giáo, quả là thất bại nặng nề, một ô nhục cho bè tam điểm.
Các tín hữu Công Giáo láng giềng biết rõ tình cảnh đáng thương của người bệnh. Họ thông báo cho cha Games biết. Cha là linh mục dòng Salésien Don Bosco. Cha chuyên hoạt động tông đồ nơi giới sinh viên tại đại học thành phố Guadalajara. Cha thuộc mẫu người có chí khí hào hùng, không nản lòng hoặc chùn bước trước bất cứ khó khăn nào.
Sau khi nghe biết sự việc, cha Games nói ngay: “Tôi sẽ đến tức khắc!” Nói xong cha làm liền. Cha cải trang thành thường dân, đầu đội mũ và cẩn thận mang theo hai khẩu súng lục, đeo hai bên hông.
Đến nơi cha dùng đầu súng gõ mạnh ba cú trên cửa. Hai hội viên tam điểm vội ra mở cửa. Cha Games thì thầm: “Ông xếp muốn hai anh ra ngoài hứng gió một chút và uống cái gì cho khoẻ. Đến lượt tôi thay phiên hai anh”.
Hai người hài lòng với đề nghị. Họ cũng thì thầm vào tai cha Games: “Nhớ canh phòng cẩn mật, đừng để cha Games lọt vào nhà, vì cha sẽ làm hỏng mọi chuyện!” Cha Games nói ngay: “Hai đồng chí an tâm. Cha Games mà dám xớ rớ đến đây, tớ sẽ cho cha ấy biết tay!” Vừa nói, cha Games vừa chỉ vào khẩu súng lục.
Khi hai tên canh gác đi rồi, cha Games cẩn thận khóa cửa lại rồi đến ngay giường người đang hấp hối. Cha nói lớn tiếng: “Bạn đã làm gì để đáng được ơn trọng đại này?” Người bệnh đáng thương vừa trông thấy khuôn mặt lạ với hai khẩu súng, liền thất kinh hồn vía. Cha Games vội vàng giở mũ và bỏ súng ra, rồi với giọng thật dịu dàng cha nói: “Tôi là cha Games. Tôi đến để giải tội và cho bạn rước lễ cùng giúp bạn dọn mình chết lành. Bạn đã làm gì để đáng Chúa ban cho ơn trọng đại này?” Người bệnh rất xúc động. Ông vừa khóc vừa nói: “Muôn vàn cảm tạ ơn Chúa cùng Đức Mẹ. Các Ngài thật trung tín. Khi còn thiếu niên con đã rước lễ đền tạ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng và 5 Ngày Thứ Bảy Đầu Tháng liên tiếp. Và Thánh Tâm Chúa GIÊSU cùng Khiết Tâm Đức Mẹ đã không bỏ rơi con. Các Ngài đã ghé mắt đoái thương con trong giờ lâm tử!”
Cha Games thành công dễ dàng trong việc giúp người bệnh dọn mình xưng tội. Sau đó cha cho bệnh nhân rước Mình Thánh Chúa, rồi nhận bí tích Xức Dầu. Sau cùng, cha cho người bệnh ký vào hai tờ cam kết từ bỏ bè tam điểm và chấp nhận được ơn chết trong tư cách là tín hữu Công Giáo. Cha Games cũng đồng ký vào hai bản cam kết đó. Xong xuôi mọi sự, cha để lại một bản trên bàn gần giường người bệnh còn bản kia cha mang về.
Khi hai hội viên tam điểm trở lại và thấy tờ cam kết, họ chỉ còn biết kêu lên: “Quả là cha Games đã làm được điều này. Đáng lý mình không nên để cha vào nhà mới phải”. Nói rồi, họ thất vọng bỏ đi. Và cha Games có thể tự do trở lại giúp người hấp hối cho đến khi ông ta trút hơi thở cuối cùng.
Sau này, chính hai hội viên kia cũng ăn năn thống hối và được cha Games giúp đỡ, đưa về với Hội Thánh Công Giáo.
… Chuyện thứ ba xảy ra tại giáo xứ Thánh Nicola ở Melicucco, vùng Reggio Calabria, miền Nam nước Ý.
Đầu thập niên 1940, Anna được bầu làm Đoàn Trưởng Hội Công Giáo Tiến Hành, ngành thiếu niên. Anna rất có lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa GIÊSU. Cô hăng say cổ động các thành viên trẻ sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Thánh Chúa trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.
Ba năm sau, Anna thành công trong việc thuyết phục Antonio, đoàn viên Công Giáo Tiến Hành nguội lạnh. Antonio đều đặn đến nhà thờ xưng tội, tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tục. Antonio thi hành công việc đạo đức với trọn lòng kính mến Thánh Tâm Chúa GIÊSU, Vị Vua và là Anh Hùng Lý Tưởng của giới trẻ.
Antonio thi hành thói quen đạo đức ấy trong một thời gian dài. Nhưng rồi, ma quỷ, xác thịt và thế gian lôi kéo, Antonio bị sa ngã. Chàng không lãnh nhận các bí tích nữa và sống buông thả. Chàng dan díu với Giovanna một phụ nữ ly dị chồng và đang sống một mình. Giovanna và Antonio trở thành đôi tình nhân sống ngoài luật lệ gia đình và Giáo Hội. Nhưng Giovanna thuộc về dòng tộc khá giả. Carlo – em trai Giovanna – không chấp nhận lối sống “lăng loàn” của chị. Theo tâm thức thời ấy, đó là một ô nhục cho gia đình. Carlo tìm cách thủ tiêu Antonio để giải thoát chị khỏi vòng tay nhân tình.
Carlo chờ đợi cơ hội thuận tiện. Một ngày Carlo rút súng bắn vào người Antonio mấy phát liên tục. Antonio ngã gục trên vũng máu, nhưng chàng chưa tắt thở. Người ta chở ngay chàng đến Nhà Thương.
Nghe tin không lành, Anna tức tốc đến thăm người hấp hối. Nàng lựa lời an ủi Antonio. Sau cùng, Anna nghiêm giọng nói: “Nếu đúng như lời người ta đồn thổi thì thật là anh đang tẩy rửa tội lỗi mình bằng chính máu anh!” Antonio thều thào đáp: “Đúng như lời chị nói!” Anna liền mời cha sở đến. Cha sở hỏi Antonio có muốn lãnh nhận các bí tích lần cuối cùng không. Chàng đáp ngay: “Thưa Cha có”. Cha sở lại hỏi: “Nhưng trước hết, cha xin hỏi con, con có bằng lòng tha thứ cho người đã giết chết con không?” Antonio trả lời: “Thưa có, con sẵn sàng tha thứ cho kẻ sát nhân”. Sau đó, Antonio sốt sắng xưng tội, rồi lãnh nhận Mình Thánh Chúa làm của ăn đàng và chịu phép Xức Dầu Bệnh Nhân.
Mấy giờ sau, Antonio êm ái trút hơi thở cuối cùng, trên gương mặt điểm niềm an bình và niềm vui khó tả.
… Chuyện thứ bốn xảy ra trên đảo Tahuata, nằm trong Thái Bình Dương.
Trọn một gia đình ngoại giáo xin trở lại Công Giáo và lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, cả gia đình trở lại với thói tục mê tín dị đoan, thờ ma lạy quỷ như trước, ngoại trừ Rotaria, 14 tuổi. Rotaria vừa học xong nơi trường các nữ tu dòng thánh Giuse thành Cluny. Cô gái ngoan hiền đức hạnh. Rotaria cương quyết giữ vững Đức Tin, không chạy theo các tà thần dối trá. Thảm thương thay, cha mẹ cùng tất cả các anh chị em trong gia đình hùa nhau bách hại cô gái. Mọi người muốn cô thiếu nữ chối bỏ Đức Tin Công Giáo. Dỗ ngọt không được, họ chuyển sang việc nguyền rủa và đánh đập cô. Bị làm khổ vừa thể xác vừa tinh thần khiến Rotaria lâm trọng bệnh. Chưa hết, cô gái bị điên khùng mất trí.
Một thời gian ngắn đó, cha Orens, linh mục thừa sai Công Giáo đặt chân lên đảo Tahuata để rao truyền Tin Mừng. Cha Orens kể lại:
Khi biết chuyện, tôi liền đến thăm Rotaria. Vừa nghe tôi gọi đích danh, Rotaria bỗng như trở lại trạng thái bình thường và hỏi: “Ngài là ai?” Tôi trả lời: “Cha Orens”. Rotaria nở một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt tái xanh. Tôi hỏi: “Rotaria, con cảm thấy như thế nào?” Cô gái đáp ngay: “Thưa cha con mệt lắm, sắp chết rồi!” Nói xong câu này, Rotaria bỗng đứng thẳng người lên, giơ tay chỉ một người vô hình đang đứng trước mặt và hét lớn: “Đây là kẻ đã làm cho tôi phải ra nông nổi này!” Nghĩ rằng cô gái lên cơn điên, nên tôi lựa lời an ủi. Rotaria hạ cơn giận, bình tĩnh trở lại, rồi với gương mặt thật buồn bã cô bé nói với tôi: “Nhưng những gì con vừa nói là đúng sự thật đấy cha à!” Tôi âu yếm khuyên nhủ: “Nhưng dù sự thật là như thế, Chúa cũng đâu có dạy chúng ta phải lấy ác báo ác?” Rotaria gục gặt đầu và nhỏ nhẹ đáp: “Cha nói đúng. Vậy Chúa có tha tội cho con không?” Tôi trả lời: “Con biết rõ là Chúa luôn tha thứ cho những ai thành tâm thống hối”. Rotaria nói ngay: “Vậy thì con xin xưng tội tức khắc”. Thấy tình thế thuận lợi, tôi giải tội liền cho Rotaria. Nhưng sau khi tôi ra về, cô gái lại rơi vào cảnh điên khùng như trước. Chỉ có điều lạ là cứ mỗi lần tôi đến thăm thì Rotaria trở lại trạng thái của người bình thường.
Bệnh tình của cô thiếu nữ cứ mỗi ngày một nặng thêm. Tôi rất muốn mang Mình Thánh Chúa cho Rotaria, nhưng không biết phải làm thế nào. Vào một ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, tôi đến thăm và hỏi cô bé có muốn rước Mình Thánh Chúa làm của ăn đàng không. Trước mặt mọi người trong gia đình, Rotaria mạnh mẽ trả lời có. Tôi ra về ngay và mang Mình Thánh Chúa đến .. Rotaria xin mẹ và chị giúp mặc vào mình chiếc áo trắng tinh rồi nghiêm trang xin tôi trao Mình Thánh Chúa. Xong, Rotaria lại xin tôi ban phép Xức Dầu Bệnh Nhân .. Rotaria lên cơn hấp hối và êm ái trút hơi thở cuối cùng vào Chúa Nhật tiếp liền sau đó..
Sau khi Rotaria qua đời, tôi được biết lúc còn là học sinh của các nữ tu dòng thánh GIUSE, Rotaria đã từng thi hành việc đạo đức rước lễ 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.
… Chuyện thứ năm xảy ra tại làng quê trong vùng Piemonte, miền Bắc nước Ý.
Năm 1913, cha Giovanni được chỉ định làm cha phó. Vị tân linh mục rất nhiệt thành với sứ vụ. Ngài giảng dạy và khuyên bảo mọi người sốt sắng lãnh nhận các Bí Tích, đặc biệt là hai Bí Tích Thánh Thể và Giải Tội. Và để cho công cuộc mục vụ có kết quả tốt đẹp, cha Giovanni bắt đầu truyền bá lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa GIÊSU. Cha mời gọi mọi con chiên bổn đạo trong giáo xứ sốt sắng thi hành việc đạo đức: tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.
Hầu hết các tín hữu trong giáo xứ thi đua đáp lời mời gọi của cha phó. Nhưng anh Paolo, một người cha gia đình, trạc tuổi 30, không mấy để ý tới lời khuyên. Anh chỉ lo công việc đồng áng. Sau lễ Phục Sinh năm 1914, cha phó Giovanni đích thân đến gặp và nói chuyện với anh Paolo. Cha mời anh tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Anh Paolo lễ độ đáp lời: “Thưa cha, bây giờ con đã hiểu rõ tầm quan trọng của lời cha khuyên dạy. Con hứa sẽ làm theo lời cha. Nhưng xin cha đợi đến tháng 10, nghĩa là qua mùa hè này. Công việc đồng áng trong mùa hè quá nặng nhọc, mà việc giữ chay Thánh Thể quá khắt khe, nên con không thể thi hành được. Nhưng ngay Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng 10, con sẽ bắt đầu tham dự thánh lễ và rước lễ. Con xin hứa danh dự với cha như thế”.
Là một nông dân lực lưỡng, đang dồi dào sức khoẻ, bỗng vào ngày Chúa nhật 9-8-1914, anh Phaolo phải nằm lại giường, không chỗi dậy đi lễ được. Mọi người trong nhà cứ tưởng đây là cơn bệnh nhẹ sẽ qua đi. Nhưng đến 9 giờ tối, mặc dầu không có dấu hiệu hiểm nguy, anh Phaolo cứ nằng nặc đòi rước cha phó đến cho anh xưng tội và lãnh nhận các Bí Tích sau cùng. Ai ai cũng ngăn cản. Thứ nhất, bệnh tình anh không có gì hiểm nguy. Thứ hai, đã quá muộn, không nên quấy rầy cha phó. Đợi sáng hôm sau xin cha đến cũng còn kịp. Nhưng anh Phaolo cứ nài nĩ cho bằng được. Không nỡ từ chối lời đứa con trai yêu dấu, chính bà mẹ anh Phaolo đích thân đến gặp và mời cha đến nhà.
Cha phó mau mắn đến ngay. Anh Phaolo vô cùng cảm động và không ngớt lời xin lỗi cũng như cám ơn cha phó. Anh nói: “Muôn vàn cám đội ơn cha vì cha đã nhận lời đến. Con rất mong gặp cha. Cha có nhớ là đã có lần con hứa với cha con sẽ thi hành việc đạo đức: tham dự thánh lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp không? Nhưng bây giờ thì không thể được nữa rồi. Chính Thánh Tâm Chúa GIÊSU bảo con phải mời cha đến ngay để được lãnh nhận các Bí Tích sau cùng.
Cha phó Giovanni sẵn sàng giúp anh Phaolo lãnh nhận các Bí Tích. Khi cha phó ra về thì đã nửa đêm. Đến 4 giờ sáng, cha phó trở lại thăm. Anh Phaolo vô cùng vui mừng tiếp đón cha, anh nắm chặt tay cha, nhưng không nói được lời nào, vì sau khi cha phó ra về anh bị cấm khẩu. Đến hai giờ chiều ngày thứ hai, 10-8, anh Phaolo êm ái trút hơi thở cuối cùng, trên gương mặt điểm niềm vui thiên thần.
… Chuyện thứ sáu xảy ra tại thành Genova, miền Tây Bắc nước Ý.
Ngày 21-5-1913, Matteo, 13 tuổi, bỗng lâm trọng bệnh. Matteo đang sống với mẹ, bà Roberta.
Ngay những ngày đầu tiên, cơn bệnh ác nghiệt đã làm cho Matteo hoàn toàn bị hôn mê. Bác sĩ cho bà Roberta biết: “Cậu bé chắc chắn không có cơ may thoát khỏi cảnh hôn mê. Rất có thể, cậu bé cứ sống mãi trong tình trạng tuyệt vọng này cho đến khi tắt hơi thở cuối cùng!” Ôi, nói sao cho xiết, kể sao cho hết nổi lòng của bà mẹ trẻ Roberta, đứng trước cơn bệnh hiểm nghèo của đứa con trai yêu dấu! Một phần vì thương con, một phần vì lo lắng cho phần rỗi linh hồn của con. Bà Roberta đau đớn thầm nghĩ: “Nếu Matteo cứ ở mãi trong tình trạng hôn mê rồi qua đời, mà không được chịu các Bí Tích sau cùng, thì sợ rằng, cậu bé sẽ bị trầm luân đời đời trong hỏa ngục! Chỉ có một điều an ủi duy nhất, đó là: Matteo đã bắt đầu sốt sắng thi hành việc đạo đức tham dự thánh lễ và rước lễ trong mấy Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Không lẽ Thánh Tâm Từ Bi Nhân Hậu của Chúa GIÊSU lại bỏ rơi Matteo trong những giây phút ngặt ngèo của đời sống sao??” Nghĩ thế, nên lòng bà Roberta đầy tràn niềm tin tưởng nơi sự Quan Phòng của Chúa.
Trong vòng 15 ngày liên tiếp, kể từ ngày 21-5, Matteo hoàn toàn mê man bất tỉnh. Mãi cho đến chiều thứ năm 5-6-1913, tức là trước ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, Matteo bỗng ra khỏi cơn hôn mê, như ra khỏi một giấc ngủ dài. Mọi người trong gia đình vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Cậu bé ngơ ngác, ngước đôi mắt thơ ngây hỏi mẹ: “Ngày mai là ngày thứ mấy hở mẹ?” Bà Roberta âu yếm cúi xuống hôn trên trán con và nhỏ nhẹ trả lời: “Ngày mai là Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng, con ạ”. Matteo chớp chớp đôi mắt trong dáng điệu lo lắng và nói với mẹ: “Chết rồi mẹ ơi, nếu con bị bệnh như thế này thì làm sao ngày mai con có thể tham dự Thánh Lễ và rước lễ được hở mẹ?” Bà Roberta bình tĩnh trả lời: “Đừng lo con ạ, nếu con không đi nhà thờ để rước Chúa GIÊSU được thì chính Chúa GIÊSU – Đấng vô cùng nhân ái và hằng yêu thương con trẻ – sẽ đích thân đến tận giường thăm con!”
Nói chuyện với con xong, bà Roberta tức tốc chạy đến nhà xứ mời cha sở đến thăm Matteo. Cha sở vội vàng đến ngay. Matteo vui mừng đón chào cha sở. Cậu bé sốt sắng dọn mình xưng tội và lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Xong, Matteo yên lặng cầu nguyện trong giây lát. Nhưng liền sau đó, Matteo lại rơi vào cảnh hôn mê như trước. Cho đến sáng hôm sau, khi cha sở mang Mình Thánh Chúa GIÊSU đến thì lạ lùng thay, Matteo lại tỉnh giấc, mở mắt ra và nhận biết cha sở. Cậu bé sung sướng lãnh nhận Mình Thánh Chúa GIÊSU. Rồi, giống như buổi chiều hôm trước, sau một giây lát cầu nguyện, Matteo lại rơi vào cảnh hôn mê. Lần này thì Matteo không ra khỏi cơn hôn mê nữa. Cậu bé mê man bất tỉnh trong vòng 12 ngày. Đến ngày thứ ba 18-6-1913, Matteo êm ái trút hơi thở cuối cùng, trên khuôn mặt trong trắng thơ ngây điểm một nụ cười hồn nhiên thiên thần, như lời chào giã biệt an ủi mẹ hiền, bà Roberta ..
… Chuyện thứ bảy xảy ra nơi thành phố Louvain, thuộc vương quốc Bỉ.
Một phụ nữ Công Giáo vừa đạo đức vừa giàu có tên là Catarina. Bà Catarina đặc biệt có lòng kính mến Thánh Tâm Chúa GIÊSU. Bà thường xuyên và liên lĩ thi hành việc đạo đức tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp.
Bỗng một ngày, bà Catarina cảm thấy mệt. Đó là ngày gần kề Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng. Bà cảm thấy lo âu vì không thi hành được việc đạo đức theo thói quen vẫn làm. Bà liền xin người nhà đi rước cha sở đến cho bà lãnh nhận các Bí Tích Sau Cùng. Cha sở vội vàng đến ngay. Cha giải tội cho bà theo như lòng bà ước nguyện. Nhưng cha quyết liệt từ chối không trao Mình Thánh Chúa cho bà cũng không ban cho bà Bí Tích Xức Dầu Bệnh Nhân. Cha nói: Bà không đau nặng đến nỗi cần phải lãnh nhận “Của Ăn Đàng” và chịu phép “Xức Dầu” lần cuối ..
Để trấn an bệnh nhân, cha sở cho mời bác sĩ Levebre đến. Bác sĩ là giảng sư nổi tiếng của đại học Công Giáo thành phố Louvain. Vừa trông thấy bác sĩ, bà Catarina vội vàng nói: “Thưa bác sĩ, tôi đang đi vào giai đoạn cuối đời, do đó, tôi ước ao được lãnh nhận 2 Bí Tích Thánh Thể và Xức Dầu”. Nghe bệnh nhân nói thế, bác sĩ đáp: “Thưa bà, để lãnh nhận các Bí Tích Sau cùng, cần phải ở trong tình trạng nguy cấp. Trong khi bà vẫn khỏe mạnh, không gặp hiểm nguy nào cả. Vì thế, tôi hoàn toàn đồng ý với cha sở, từ chối ban cho bà các Bí Tích Sau Cùng”.
Mặc dầu nghe bác sĩ nói vậy, bà Catarina vẫn một mực cả quyết mạng sống bà lâm nguy. Rồi bà nài nĩ xin cha sở ban các Bí Tích cho bà. Bà khẩn khoản đến độ cha sở xiêu lòng. Cha mang Mình Thánh Chúa cho bà. Vừa rước Chúa GIÊSU xong, bỗng bà Catarina hoàn toàn bị kiệt lực. Cha sở tức tốc làm phép xức dầu cho bà. Chịu phép xức dầu xong, bà Catarina thều thào: “Giờ đây, phải bỏ lại tất cả!”
Và sự thật đúng như câu bà Catarina nói. Bà ra đi để lại người chồng trung hậu với bốn đứa con ngoan hiền và một tài sản kếch sù!
Bà Catarina lập lại một lần nữa: “Giờ đây, phải bỏ lại tất cả. Đó chính là thánh ý Thiên Chúa. Tâm lòng tôi bằng an”. Nói xong, bà êm ái trút hơi thở cuối cùng, trước sự hiện diện của cha sở, bác sĩ Levebre, người chồng yêu dấu và bốn đứa con.
… Bảy người được ơn chết lành, vì đã ước ao hoặc sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước lễ trong 9 Ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp, thực hiện lời Chúa GIÊSU long trọng nói với thánh nữ Marguerite-Marie Alacoque:
“Trong mức độ tột cùng lòng từ bi Trái Tim Cha, Cha hứa với con rằng: Tình Yêu Toàn Năng của Cha sẽ ban ơn hoán cải sau cùng cho những ai rước lễ 9 ngày Thứ Sáu Đầu Tháng liên tiếp. Những người này sẽ không chết khi còn mắc tội trọng nhưng sẽ được lãnh nhận các Bí Tích và trong giờ sau hết, Trái Tim Cha sẽ là nơi nương náu vững vàng nhất”.
(“Sembra Impossibile .. eppure è così”, Editrice Comunità, 1992).