NĂM DÊ NÓI CHUYỆN DÊ TRONG KINH THÁNH

0
1181

 

Con dê con ngựa khác dòng

Ai cho con ngựa lộn cùng con dê
 

Bởi lẽ con ngựa không lộn cùng con dê, nên con ngựa phải ra đi để con dê thế chân. Ðầu năm mới, người cầm tinh con tuổi trong năm nhiều khi tò mò muốn tìm hiểu tuổi mạng của mình, hạn định xấu tốt ra sao. Người cầm tinh những con vật khác thì tò mò muốn biết sao hạn, việc kiêng, việc nên, hung tinh, cát tinh, kỵ tuổi, kỵ tháng, kỵ ngày liên quan đến con vật trong năm đó. Riêng tôi thì lại tò mò muốn biết con vật trong năm đó được đề cập như thế nào trong Kinh thánh. Có người đã nói với tôi, ngay một chữ hay một câu trong Kinh thánh cũng mang một ý nghĩa hay một mạc khải nào đó của Chúa. Tôi tin như vậy vì Kinh thánh là lời của Chúa mà. Trong tinh thần đó, tôi đã cố gắng sưu tìm cho đề tài về con dê nhân năm dê sắp đến. Tôi gạn lọc và suy niệm để biết Chúa dùng hình ảnh con dê trong Kinh thánh nói với tôi những gì. Rồi tôi đem tinh thần đó mà sống cho ít nhất là những ngày đầu năm con dê. Có lẽ điều này phù hợp với tinh thần người Ki-tô hữu chúng ta, hơn là chúng ta lo lắng đi tìm sao hạn, cát tinh, hung tinh ở Vạn sự lịch hay mấy quyển bói toán, mà cũng qua đó, ta đi ngược lại tinh thần Ki-tô giáo. Vậy tôi mời bạn hãy cùng tôi khám phá Chúa muốn nói với chúng ta những gì qua hình ảnh con dê trong Kinh thánh cho năm con dê này.
 

Hình Ảnh Con Dê Trong Cựu Ước
 

Khi Chúa gọi và chọn ông Áp-ra-ham để khởi đầu cho một dân riêng của Chúa, Chúa đã hứa ban cho ông quyền sở hữu đất đai mà Chúa sẽ chỉ cho, cũng như dòng giống của ông sẽ đông đảo và trường tồn. Khi ông Áp-ra-ham phàn nàn với Chúa là đã để ông và vợ ông trong tình trạng không con cái, không người thừa tự, thì Chúa đã đưa ông ra ngoài trại để đếm các vì sao trên trời. Chúa đã hứa ban cho ông một dòng dõi đông như sao trên trời, mặc dù vợ chồng ông đã già, vả lại vợ ông là người san sẻ. Ðến khi Chúa đưa dẫn ông và gia đình đến vùng Ðất Hứa, ông Áp-ra-ham đã bán tín bán nghi về quyền sở hữu vùng đất mới đó. Ông thưa với Chúa rằng: "Lạy Ðức Chúa, làm sao mà biết là con sẽ được đất này làm sở hữu." Ðể chứng minh lời hứa của mình, Chúa đã truyền dạy cho ông Áp-ra-ham tìm vật đính ước gồm một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con cừu đực ba tuổi, một chim gáy, và một bồ câu non làm vật tế lễ để thiết lập giao ước. Lý do các con vật phải ở hạn ba tuổi là vì chúng đang trong thời kỳ tinh tuyền, không vết nhơ, và không bị uế tạp. Ông Áp-ra-ham đã làm theo lời chỉ dạy. Ông đặt tất cả lễ vật lên trên bàn thờ. Ðến khi mặt trời lặn, thì Chúa đã dùng một ngọn đuốc cháy rực mà thiêu hủy lễ vật dâng tiến. Và sau đó, Chúa đã thiết lập giao ước với ông (St 15:1-21).
 

Từ đó về sau, con cháu ông Áp-ra-ham dùng các con vật mà Chúa đã phán truyền để làm lễ vật dâng lên cho Chúa. Hơn nữa, những con vật dùng để hiến tế này được đưa vào luật kính thờ Chúa một cách rất là tỉ mỉ, đặc biệt trong các sách Xuất hành, Lê-vi, Dân số, và Ðệ nhị luật. Trong bài viết này, tôi đặc biệt chú trọng đến con dê, một trong những con vật được chọn theo chỉ thị của Chúa. Trong thời kỳ đầu, con cháu của A-ha-ron, (A-ha-ron là người anh của Mô-sê), được đặc ân sát tế các con vật dùng làm lễ hiến tế. Thông thường, nếu có người lễ tiến một con dê, thì người đó sẽ mang con dê đến trước bàn thờ Chúa. Người dâng tiến lễ vật sẽ đặt tay trên con dê. Con dê sẽ bị giết, và con cháu ông A-ha-ron sẽ rảy máu con dê chung quanh bàn thờ (Lv 3:12-13).
 

Dần dần, luật lệ sát tế các con vật dành để hiến dâng cho Chúa trở nên nghiêm khắc và tỉ mỉ hơn. Nó được ghi thành văn bản hẳn hòi trong sách luật. Chẳng hạn nếu một đầu mục trong dân vô ý phạm đến các giới răn của Chúa một cách công khai, được người khác biết đến. Người đầu mục đó phải tiến dâng một con dê đực còn non và vẹn tuyền lên cho Chúa để làm lễ tạ tội. Con dê sẽ bị giết và vị tư tế dùng tay bôi máu con vật lên các góc của bàn thờ, số máu còn lại thì đổ xuống chân bàn thờ (Lv 4:22-26). Luật lệ này cũng được áp dụng lên toàn thể cộng đồng Do thái nếu họ vô ý không giữ mệnh lệnh của Chúa, thông qua luật Mô-sê. Khi toàn thể cộng đồng vô ý phạm phải một luật định của Mô-sê, thì toàn thể cộng đồng phải dâng một số con vật như đã kể ở trên, kể cả một con dê đực để làm lễ xá tội (Lv 9:15-17 & Ds 15:22-26). Nhưng ngược lại, nếu một thường dân vô ý vi phạm luật Mô-sê công khai, được người khác biết, thì người ấy sẽ tiến dâng một con dê cái để làm lễ xá tội (Ds 15:27). Công thức và nghi lễ thì cũng như trường hợp kể trên.
 

Ðiều này cũng dễ hiểu. Trong một đàn dê, người ta chỉ giữ một vài con dê đực, trong khi dê cái thì có thể nhiều. Vì số lượng dê đực hiếm hoi, nên trị giá một con dê đực có lẽ đắt hơn một con dê cái vào thời đó. Người có phẩm trật càng cao, hay một tập thể phạm tội, thì buộc phải có lễ vật tạ tội có trị giá cao. Niềm tin của người Do thái vào thời đó là của lễ tạ tội càng có giá trị, thì tội càng được tha nhiều. Hơn nữa, luật Do thái qui định dùng con dê để làm lễ xá tội cá nhân hay tập thể chỉ trong trường hợp họ phạm tội một cách vô ý. Trường hợp họ xúc phạm mệnh lệnh Chúa một cách cố tình và được người khác biết, thì không thể dùng con dê để làm của lễ xá tội. Cho nên, chúng ta sẽ không ngạc nhiên về luật "mắt đền mắt, răng đền răng" hay "ném đá cho đến chết" trong luật Do thái khi một cá nhân hay tập thể phạm tội một cách cố tình.
 

Thời đó, dân Do thái cử hành nghi lễ xá tội hàng năm vào ngày 10 tháng Bảy. Những con số trong các lễ hội Do thái thường mang một ý nghĩa đặc biệt. Số 10 là con số nổi bật trong Cựu ước, nó chuyên chở ý nghĩa mười giới răn của Mô-sê. Số 7là con số chỉ định ngày Sa-ba của người Do thái. Trong ngày lễ này, ngoài một vài con vật đã kể ở trên, cộng đồng Do thái đặc biệt tiến dâng hai con dê đực trước bàn thờ Chúa. Vị tư tế sẽ bắt thăm chọn giữa hai con: một thăm chọn một con cho Chúa, thăm còn lại sẽ chọn con dê cho A-da-dên (A-da-dên có nghĩa là scapegoat trong tiếng Anh, dịch là con dê gánh tội). Vị tư tế sẽ sát tế "con dê cho Chúa" làm lễ tạ tội cho toàn dân. Sau khi rảy máu con dê trên một cái nấp xá tội và làm một vài nghi thức thánh hiến bàn thờ, người ta dẫn "con dê cho A-da-dên" còn sống tới. Vị tư tế đặt hai tay lên đầu con dê này, rồi xưng thú trên nó tất cả lỗi lầm của toàn dân. Dĩ nhiên vị tư tế có cả một danh sách các giống tội gớm ghiếc mà cộng đồng hay phạm. Ông trút tất cả những tội lỗi đó lên mình "con dê gánh tội."
 

Sau khi xưng thú tội cộng đồng xong, vị tư tế sẽ nhờ một người phục dịch dẫn con dê này thả sâu vào sa mạc. Con dê này gánh mọi tội lỗi cộng đồng Do thái mà đi lạc lõng trong sa mạc. Thức ăn của dê là cỏ tươi mà giữa một sa mạc khô cằn, không cỏ, không nước, lại có thú dữ ăn thịt như sư tử và chó sói quanh quẩn, thì số phận của "con dê gánh tội" thật là thảm não. Vì phải gánh tội cho cộng đồng mà nó giờ đây phải sống trong đói khát và sợ hãi, và cuối cùng nó sẽ chết trong đau đớn, có khi là kiệt sức vì đói khát, có khi bị phanh thây bởi một con sư tử hay một đàn sói dữ tợn. Phần người thả dê khi trở về phải làm những việc thanh tẩy để tránh sự uế tạp lây từ con dê đó. Anh ta phải giặt áo và tấm rửa kỷ lưỡng trước khi anh ta trở về với cộng đồng. Phần con dê bị sát tế để tạ tội thì xác của nó được đem ra ngoài trại xa mà đốt đi. Và luật lệ này được lưu truyền mãi trong dân Do thái trong suốt thời Cựu ước (Lv 16:1-34).
 

Sách Dân số cũng đề cập rất nhiều đến lễ vật cho Chúa bằng các con vật kể trên. Nói về con dê, tựu trung thì lễ xá tội cần một con dê đực cho các đầu mục hay cho từng chi tộc, trong khi một con dê cái thì dành cho các thường dân. Chẳng hạn trong nghi thức cung hiến đền thờ, mỗi ngày, từng chi tộc trong mười hai chi tộc Do thái dâng tế phẩm lên cho Thiên Chúa. Nghi lễ kéo dài trong suốt mười hai ngày liên tục (Ds 7:10-39). Những nghi lễ đặc biệt khác thì gồm có: Lễ cầu an trong dân thì cần năm con dê đực. Lễ tạ tội cho vương quốc thì cần bảy con dê đực (2 Sb 29:21). Lễ khánh thành đền thờ Chúa thì cần mười hai con dê đực (Er 6:17). Tục lệ này kéo dài mãi ngay cả khi dân Do thái trở về đất nước sau thời gian bị lưu đày. Họ cũng đã dùng mười hai con dê đực để làm lễ tạ tội (Er 8:36).
 

Như chúng ta đã quan sát trong Cựu ước, Chúa đồng ý tha thứ lỗi lầm cho người có tội nếu họ mang tế vật, đặc biệt là con dê, đến trước bàn thờ Chúa để các vị tư tế sát tế nó. Máu chiên, bò, và dê đã trở thành biểu tượng và dấu ấn giữa Chúa và con người. Ðó là Giao Ước cũ. Nhưng máu súc vật tự bản chất không thể xóa tội được (Dt 10:4). Chỉ có Chúa mới có quyền xóa tội được thôi. Dân Do thái thời đó thường đã quên điều này. Họ đã biến đổi biểu tượng và dấu ấn của máu súc vật trở thành dấu chỉ thực tế. Ðiều đó có nghĩa là khi nào họ phạm tội thì việc đầu tiên là đi kiếm cho mình một con dê, rồi mang nó đến trước bàn thờ. Vị tư tế sẽ sát tế con vật và rồi nghiễm nhiên tội họ được tha. Sự thành thật hối lỗi và chừa đi những tội đã phạm trong quá khứ thì không đặt thành vấn đề. Có lẽ người Do thái thưở đó đã mua đặc ân tha thứ từ Chúa bằng hiến lễ có thể mua được bằng tiền bạc. Nếu như có thể làm được như vậy, thì kẻ giàu có sẽ hiến tế con dê cho Chúa thường xuyên, và sẽ được Chúa tha thứ tội lỗi họ nhiều hơn sao? Ðó là điều sai lầm. Chúa không cần chiên, bò, dê, hay bất cứ vật gì quí giá trên trần gian này, vì tất cả đều là của Chúa, do chính tay Ngài dựng nên. Thánh vịnh 50 nói rõ điều này lắm:
 

"Bò của ngươi, Ta nào có thiết;
chiên của ngươi, chẳng lẽ Ta ham!
Vì thú rừng là của Ta hết thảy,
cả ngàn muôn loài vật núi đồi.
Mọi thứ chim trời, ta đều biết rõ,
động vật nơi hoang dã thuộc về Ta.
Ta mà đói, ta đâu cần nói ngươi hay,
vì trái đất với mọi loài, chính Ta làm chủ.
Thịt bò há là thức Ta ăn?
Máu chiên há là đồ Ta uống?" 

(Tv 50:9-13)
 

Việc sát tế lễ vật cần phải đi đôi với lòng thành và yêu thương đến từ con tim. Ðó là điều Chúa cần, Chúa ao ước, Chúa mong đợi. Thiêu đốt lễ vật mà không thiêu đốt con tim nhiệt huyết yêu mến Chúa thì chỉ là giả hình. Tiên tri I-sai-a đã kết tội những người Do thái giả hình vào thời đó qua lời trách của Chúa. Chúa phán: "Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!" (Is 1:11).
 

Hình Ảnh Con Dê Trong Tân Ước
 

Qua đến thời Tân Ước, có lẽ Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đã hiểu được chân lý này. Khi Hài Nhi Giê-su sinh được tám ngày, thì Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đem con trẻ tiến dâng cho Thiên Chúa trong đền thờ, cũng như để chịu phép cắt bì để chu toàn luật Mô-sê. Con số tám ngày lạ lùng thay lại dính đến chuyện con dê trong Cựu ước. Chúa đã phán với Mô-sê: "Bê, chiên, hay dê, sau khi sinh, sẽ ở với mẹ nó bảy ngày; từ ngày thứ tám trở đi, nó sẽ được đoái nhận làm lễ tiến, làm lễ hỏa tế dâng Chúa" (Lv 22:27). Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đã không tiến dâng một con dê hay con cừu, nhưng các Ngài đã tiến dâng một đôi chim bồ câu non thể theo luật truyền dạy. Nhưng trong khối óc và con tim các Ngài, các Ngài biết là các Ngài đang tiến dâng cái gì lên cho Thiên Chúa. Ðó là Ðức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể. Hỏi chăng có lễ tế nào cao quí hơn lễ tế ấy? Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đã tiến dâng Thiên Chúa Con lên cho Thiên Chúa Cha. Ðó là của lễ tinh tuyền, thơm tho, và đẹp lòng Chúa Cha nhất.
 

Giao Ước cũ trong Cựu ước là máu của chiên, bò, và dê. Giao Ước mới trong Tân ước thì không dùng máu súc vật nữa. Thay vào đó là chính máu của Ngôi Hai Thiên Chúa, xuống thế làm người, đổ máu mình ra để chuộc tội cho muôn dân. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giê-su đã lập Giao Ước mới này. Chúa cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: "Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội" (Mt 26:27-28). Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh thể vào lúc đó.
 

Trong Thánh lễ, trước khi Linh mục chủ tế trao ban cho chúng ta nhận lãnh Mình và Máu Chúa, vị chủ tế lập lại lời của thánh Gioan Tẩy giả khi ông tuyên xưng về thiên tính của Chúa Giê-su: "Ðây Chiên Thiên Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian" (Ga 1:29). Tình cờ tôi đọc được một bài giảng thật hay chủ đề về Chiên Thiên Chúa của Ðức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt do Sơ Tê-rê-sa Phan Thị Hợi sưu tầm. Ðức Cha đã nói như thế này: "Bản tiếng Việt dịch là Chiên Thiên Chúa, Ðấng xóa tội trần gian. Từ xóa là một cách nói văn hoa nhẹ nhàng, nhưng không lột hết ý nghĩa của nguyên ngữ. Tiếng Hy Lạp dùng từ "Airein," tiếng Latin dùng từ "Tollit" có nghĩa là nhận lấy vào mình, gánh lấy, vác lấy. "Xóa" có nghĩa là đứng ngoài cuộc. Có lẽ nên dịch là Ðấng "gánh" tội trần gian thì đúng hơn. Vì Chúa Giê-su không đứng ngoài cuộc. Người đã nhập cuộc, gánh lấy thân phận con người và nhất là gánh lấy tội lỗi loài người. Chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người là Ðấng hoàn toàn trong sạch, vô tội, đã chịu hạ mình xếp hàng giữa những người tội lỗi xin Gioan rửa tội. Chính vì gánh lấy tội lỗi nhân loại mà Người lui tới với những người tội lỗi, chuyện trò ăn uống với họ cùng một bàn. Nhất là chính vì gánh lấy tội lỗi mà Người đã phải chịu chết giữa hai tội phạm, đồng số phận với họ, đồng bản án với họ như những người trộm cướp." (1)
 

Tôi muốn mượn lời giảng đẹp đẽ của Ðức Cha Giu-se Ngô Quang Kiệt để liên hệ hình ảnh Chúa Giê-su với hai con dê được dùng trong lễ xá tội của người Do thái xưa. Như "con dê gánh tội," mà bản thân nó thì vô tội, phải gánh mọi tội lỗi của cộng đồng Do thái mà bị dẫn vào sa mạc, thì Chúa Giê-su cũng đã gánh muôn tội lỗi của trần gian vào mình Ngài, chơ vơ giữa một thế giới "sa mạc vô tình và hờ hững" của con người. Như "con dê gánh tội" đã sống trong đói khát và sợ hãi, thì Chúa Giê-su cũng đã cảm thấy "hãi hùng xao xuyến" (Mc 14:33-34) trong vườn Ghết-sê-ma-ni, và cũng đã "khát" khi Ngài quằn quại trên cây thập tự cho đến nỗi Ngài đã rên rỉ kêu lên: "Ta khát" (Ga 19:28) Như "con dê gánh tội" phải ở giữa loài thú dữ dằn, thì trên thánh giá, Chúa Giê-su cũng đang bị bao quanh bởi lũ lính La mã hung hăng dữ tợn và đám dân thành Giê-ru-sa-lem khát máu, la hét rợn rùng. Như "con dê gánh tội" bị phanh thây nơi hàm một con sư tử hay một bầy sói, thì thân thể Chúa Giê-su cũng bị xé nát bởi roi đòn, bởi mão gai, bởi lỗ đinh chân tay, và bởi lưỡi đòng đâm xuyên qua lồng ngực Ngài.
 

Nhưng không giống như máu "con dê tạ tội" (con dê thứ nhất) bị sát tế nơi bàn thờ để lấy máu mà thanh tẩy cộng đồng, và máu ấy và nghi lễ sát tế ấy phải lập đi lập lại mãi, nhưng Chúa Giê-su, ngược lại, "đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta" (Dt 8:12). Không giống như "con dê tạ tội", sau khi chết, bị thiêu hủy ra tro bụi nơi ngoài trại xa, thân thể Chúa Giê-su, ngược lại, đã phục sinh vinh hiển, lên trời trong vinh quang, và ngự bên hữu Cha Ngài.
 

Kết Luận
 

Trong văn chương và trong văn hóa Việt nam, hình ảnh con dê thường bị nhìn dưới một khía cạnh châm biếm. Vì con dê đực có khả năng truyền giống rất mạnh, nên người ta thường ví những ông có máu thích lang chạ trong vấn đề tình ái và tình dục với biệt hiệu "ông dê xồm." Bởi vậy nên tục ngữ Việt nam có câu:
 

Bươm bướm mà đậu cành bông

Ðã dê con chị, lại bồng con em

Những "ông dê xồm" này bị người đời coi khinh, vì họ không theo khuôn phép thuần phong mỹ tục. Cho nên tục ngữ Việt nam mỉa mai những người này như sau:

Phượng hoàng đậu nhánh sa kê

Ông thần ổng hổng vật mấy thằng dê cho rồi.
 

Có lẽ chúng ta, những người Việt nam, không nhiều thì ít đã thấm cái hình ảnh mỉa mai của con dê. Nhưng như chúng ta đã quan sát, Kinh thánh Cựu ước lại diễn tả hình ảnh con dê thật đáng thương và đáng tội nghiệp. Nó được mô tả như một tiền ảnh của Chúa Giê-su, Ðấng đã gánh, đã vác hết mọi tội lỗi thế gian vào mình, và đã chịu chết đền thay cho tội lỗi chúng ta.
 

Trong tâm tình đầu năm con dê, tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một vài tâm tư khiêm nhường. Theo suy diễn của tôi, tôi không nghĩ Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se quá nghèo đến nỗi không thể tiến dâng một con cừu hay một con dê vào đền thờ, bởi vì một trong ba vị đạo sĩ phương đông đã dâng lễ vật là vàng lên cho Chúa Hài Ðồng Giê-su không lâu trước đó. Nhưng tôi thiết nghĩ, Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se đã ý thức được Chúa Giê-su là của lễ thánh thiện và đẹp đẽ nhất mà các Ngài hãnh diện và hân hoan tiến dâng lên cho Thiên Chúa Cha. Rồi trong khi các Ngài tiến vào đền thờ Giê-ru-sa-lem, các Ngài đã dùng tiền tương xứng với một con dê, hay hơn nữa, mà bố thí cho những người ăn xin và tật nguyền trong đền thờ. Chúng ta cũng hãy bắt chước như Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se tiến vào nhà thờ Chúa với một Chúa Giê-su trong tâm hồn ta để dâng lên cho Thiên Chúa Cha. Ðây chỉ là những suy diễn đơn sơ nhưng ý của tôi muốn nói là chúng ta cũng hãy bắt chước các Ngài bố thí cho những người bất hạnh, nghèo khổ, và tật nguyền trong giáo xứ, trong đất nước, và trên thế giới. Rồi khi chúng ta vào nhà thờ, nghiêm trang nhìn lên tượng Chúa chịu nạn trên Thánh giá. Một Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa làm người, đang gánh, đang vác lấy tội tôi, tội chúng ta, tội của toàn thể nhân loại. Trong khi mắt nhìn lên tượng Chúa, miệng chúng ta thầm thĩ cầu nguyện theo tinh thần của một bài hát: "Máu chiên bò Chúa không ưng, của lễ toàn thiêu Chúa không nhận, thì này con đến để làm theo ý Cha."
 

Peter Linh Nguyễn

 

suyniem-songdao