“Con chuẩn bị kết hôn, nhưng con (và có thể cả gia đình con) sẽ rất xấu hổ khi tên con được rao trong nhà thờ (vì trước kia con có đi tu!). Xin Cha cho biết việc rao hôn phối nhằm mục đích gì, và con có thể xin miễn chuẫn lời rao hôn phối được không?”
Trả lời:
Hôn nhân không phải là một việc riêng tư chỉ liên quan đến hai vợ chồng, mà là một hành vi công liên quan đến cả Giáo Hội lẫn xã hội dân sự nữa. Cho nên, cả Giáo luật lẫn Dân luật đều đặt ra những thủ tục kết hôn.
Đối với Giáo Hội, việc rao hôn phối nhằm mục đích xác nhận sự tự do để kết hôn, cũng như để thông báo cho cộng đoàn biết mà cầu nguyện và họ có thể trình báo những ngăn trở mà họ biết được.
Theo Bộ Giáo luật hiện hành, luật chung không quy định gì về việc rao hôn phối, nhưng giao lại cho Hội Đồng Giám Mục quy định.
“Hội Đồng Giám Mục phải ấn định những quy tắc về việc khảo hạch các đôi bạn, cũng như về việc rao hôn phối và về những phương tiện thích hợp khác để thực hiện các cuộc điều tra, những việc đó là cần thiết trước khi cử hành hôn nhân; một khi những quy tắc ấy đã được tuân giữ cẩn thận cha sở có thể tiến hành việc chứng hôn” (Điều 1067).
Hình thức thông thường áp dụng tại Việt Nam là rao hôn phối trong ba ngày Chúa nhật liên tiếp. Cũng có nơi đăng lời rao hôn phối trên bản tin của giáo xứ, hoặc dán lời rao hôn phối trước cửa nhà thờ.
Việc rao hôn phối là một việc cần thiết, phải được tuân giữ một cách cẩn thận. Cho nên, việc chuẩn rao hôn phối phải là một việc hết sức họa hiếm.
Về việc miễn chuẩn, theo “Bản Năng Quyền Thập Niên (1971-1980)” vẫn còn hiệu lực: Cha sở có thể chuẩn một lời rao; Cha Quản hạt được tha rao hai lần khi có lý do chính đáng; và Đức Giám mục giáo phận chuẩn rao hoàn toàn. Phép tha này có hiệu lực ở tất cả những nơi liên hệ đến nố hôn phối đó, cho dầu ở ngoài giáo xứ, giáo hạt, giáo phận mình (số 33).
Lm LG Huỳnh Phước Lâm, GP.Long Xuyên