5 điều cần tuân thủ về thuốc

0
485

Một bệnh nhân cao niên vừa xuất viện sau
một cơn đau thắt ngực nghiêm trọng. Khi dược sĩ hỏi về bệnh tình thì
được biết ông vẫn uống thuốc đều đặn và đúng giờ như bác sĩ đã chỉ dẫn.

Hỏi thêm một hồi
thì các dược sĩ phát hiện ông đã cất thuốc trị đau thắt ngực là viên nén
nitroglycerin trong một cái lọ quên đậy nắp và đặt ở cửa sổ nhà bếp. Thì
ra, bệnh nhân đã không biết rằng loại thuốc này sẽ bị ánh sáng mặt trời
hủy tác dụng.

 


Trong đời sống
hằng ngày, người sử dụng thuốc ít quan tâm đến việc bảo quản nó như thế
nào để có thể phát huy tác dụng tối đa. Bệnh nhân thường để thuốc ở
những nơi thuận tiện, bất kể có an toàn cho thuốc hay không. Bảo quản
thuốc là một đòi hỏi cần thiết trong việc phòng và chữa bệnh nên cần
tuân thủ 5 điều cơ bản sau:

1. Đừng bao giờ
để dược phẩm trong những tủ đựng kem đánh răng, dầu gội đầu trong nhà
tắm vì hơi nước từ vòi nước nóng hoặc bồn nước nóng sẽ hủy hoại thuốc
hoặc làm giảm tác dụng của thuốc. Nên để thuốc ở phòng khô ráo, nhiệt độ
trong khoảng 15oC-30oC và tránh xa ánh sáng chiếu trực tiếp. Tốt nhất,
mỗi nhà nên có một tủ thuốc gia đình đặt ở nơi thích hợp.

Lọ
thuốc khi sử dụng xong phải đậy nắp chặt (nhưng không quá chặt vì người
cao tuổi sẽ gặp khó khăn khi mở). Vì vậy, cần yêu cầu dược sĩ cung cấp
một loại chai lọ thích hợp có dán đầy đủ thông tin, cách sử dụng để
những người cao tuổi mở được dễ dàng. Lọ thuốc này thuận lợi cho nhóm
bệnh nhân lớn tuổi nhưng cũng phải bảo đảm rằng trẻ em không dễ dàng mở
chúng. Cần xem kỹ nhãn thuốc hoặc hỏi dược sĩ cung cấp thuốc có cần thêm
điều kiện bảo quản đặc biệt nào nữa không.

2. Cần lưu ý
những loại dược phẩm nào nên để trong tủ lạnh (thường gặp ở các chế phẩm
kháng sinh dạng lỏng). Không nên để ở ngăn đá vì sẽ làm đông các chế
phẩm dạng này mà chỉ được để ở ngăn lạnh. Khi để ở ngăn lạnh một thời
gian, lúc lấy ra thì chế phẩm hơi đặc, có thể gây khó khăn cho việc lấy
thuốc ra khỏi lọ nên cần lắc mạnh hoặc đặt đáy lọ thuốc vào một chén
nước ấm.

3. Cần giữ thuốc
trong lọ ban đầu của nó. Đã có nhiều trường hợp uống nhầm thuốc khi loại
thuốc này bỏ vào lọ chứa thuốc khác. Cũng không nên bỏ chung nhiều loại
thuốc trong cùng một lọ vì có thể gây ra những phản ứng hóa học giữa
chúng và tạo sự tương tác không mong đợi. Người sử dụng cũng sẽ có thể
uống nhầm thuốc khi đựng nhiều loại thuốc trong cùng một lọ.

4. Khi được kê
một loại kháng sinh, cần tuân thủ liều lượng và uống cho hết thời gian
trị liệu, không được ngưng thuốc giữa chừng khi cảm thấy mình hồi phục.
Không nên lưu trữ thuốc cho lần bệnh sau vì nó có thể đã hết hạn sử dụng
hoặc không phải chữa cho những bệnh của lần trước (dù rằng những bệnh
này có chung triệu chứng).

5. Khi đi công
tác hoặc du lịch, phải mang theo thuốc thì cần để trong hành lý xách tay
vì nếu để chung với hành lý ký gửi sẽ khiến thuốc bị giảm hoặc mất tác
dụng do nhiệt độ rất cao trong khoang hành lý. Chưa kể trường hợp hành
lý bị thất lạc, việc sử dụng thuốc sẽ gặp nhiều trở ngại. Đối với những
loại thuốc có yêu cầu giữ lạnh, nên hỏi tiếp viên những thiết bị giữ
lạnh và cách sử dụng để có thể giữ thuốc trong suốt quá trình di chuyển.