Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do thói quen chăm sóc răng miệng không đúng cách. Có một tỷ lệ lớn người dân không đi kiểm tra sức khỏe răng miệng định kỳ và không được hướng dẫn cách chăm sóc. Chẳng hạn, cách đánh truyền thống theo kiểu kéo ngang tới lui như kéo đàn không những không giúp răng sạch mà còn khiến răng dễ bị mòn.
Một số người lại cho rằng phải đánh răng thật mạnh thì mới sạch. Trong khi đó, các mảng bám rất mềm chỉ cần chải nhiều lần nhẹ nhàng là tan hết. Thậm chí nhiều trẻ đã mọc hết răng nhưng cha mẹ vẫn chưa rèn cho con thói quen đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.
Các bệnh răng miệng còn là các ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng trong khoang miệng, là nguyên nhân gây ra các bệnh nội khoa toàn thân như viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc, viêm khớp, các bệnh đường tiêu hóa… Việc điều trị cho cả cộng đồng là rất khó khăn, tốn kém và thực tế cho thấy không nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị. Chính vì thế, theo phó giáo sư Hải cần tăng cường hoạt động chăm sóc răng miệng cho trẻ em và cộng đồng.
Theo bác sĩ Phạm Như Hải, Trưởng khoa răng Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam – Cuba (Hà Nội), trẻ mọc răng, biết nhổ nước ra ngoài mà không nuốt vào là có thể đánh răng và dùng kem đánh răng, không đánh thì hỏng răng. Nếu trẻ còn quá nhỏ, chưa biết súc miệng, nhổ bọt ra thì đánh bằng nước muối. Còn không thì dùng kem đánh răng dành riêng cho trẻ, sau 6 tuổi có thể dùng kem của người lớn.
Bên cạnh đó, không nên dùng tăm vì dễ gây hỏng lợi, thay vào đó dùng chỉ tơ nha khoa. Thời gian đánh răng ít nhất là 2 phút. Sử dụng bàn chải mềm và kem đánh răng có chất flour để làm sạch các mảng bám và đồ ăn dính. Thay bàn chải mới sau mỗi lần 3 tháng.
Ở những bề mặt tiếp xúc khi nhai thì cầm bàn chải ngang và đánh qua đánh lại. Ở mặt trong của các răng phía trước nghiêng bàn chải hơi đứng và dùng đầu bàn chải đánh nhẹ lên xuống. Đặc biệt, không quên chà lưỡi từ trong ra ngoài bằng động tác quét để lấy các mảng thức ăn còn dính và làm cho hơi thở khỏi bị hôi.