CẦU NGUYỆN
Lm. Peter John Cameron, OP
Đaminh Nguyễn Việt Hữu chuyển ngữ
Cầu nguyện là gì? Tại sao ta nên cầu nguyện?
Để trả lời câu hỏi “Cầu nguyện là gì,” ta phải biết rằng việc tìm hiểu mà ta nhắm tới đây không phải là một tác động; nhưng là một phương pháp thực hành. Cầu nguyện không hẳn là một công việc, nhưng đúng hơn, cầu nguyện là một tâm tình. Thật ra, theo như sách Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo cho biết, cầu nguyện là ” một sự liên lạc sống động giữa cá nhân mỗi người với Thiên Chúa hằng sống… mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha trên trời” (số 2558, 2565). Để hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện, ta phải saün lòng từ bỏ chính mình cho tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Giống như Mẹ Maria trong lúc Truyền Tin, ta phải hăng hái tự mình đáp lại tình yêu tự hiến hoàn toàn của Chúa với tất cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực của ta.
Như vậy, cầu nguyện nghĩa là đứng trước mặt Chúa và nâng lòng trí ta lên cùng Ngài với tất cả lòng tôn kính và thờ lạy. Cầu nguyện là con đường tươi đẹp dẫn ta vào nguồn mạch vô tận của Thiên Chúa là Đấng hằng sống thật và vô cùng tốt lành. Cầu nguyện là tất cả lòng dâng hiến nhiệt thành của ta trong Chúa Thánh Thần để dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giêsu Kitô.
Vì cầu nguyện liên kết và nói lên mối lên hệ của ta với Chúa, nên bản chất của cầu nguyện là cuộc đàm thoại. Để những người yêu nhau được chìm đắm trong mối liên kết bác ái của họ, thì chính mỗi người phải chia sẻ hết đời sống nội tại của mình cách xác thực, và quảng đại trao đổi những lời (nói), cử điệu và cảm xúc cho nhau. Sự đàm thoại của cầu nguyện làm cho sự thân mật của ta với Chúa được thêm sâu đậm bằng cách nó lôi kéo ta vào sự liên hệ với Ngài để dẫn ta đến cùng Thánh Thể. Cầu nguyện giống như một hành động gợi cảm tình để ta kết hợp mật thiết với Chúa. Cầu nguyện còn làm cho ta nên giống Thiên Chúa mà ta hằng yêu mến như thánh Têrêsa thành Avila nói, “trong một cách thức nào đó, ý muốn trở nên hòa hợp với ý Chúa.”
Sự gặp gỡ huyền nhiệm của cầu nguyện gồm 5 hình thức cơ bản: thờ lạy, cầu xin, cầu bầu, cảm tạ, và ngợi khen.
Thờ lạy tuyên xưng sự cao cả của Chúa, Đấng Tạo Hóa và Nuôi Dưỡng ta, trong tinh thần khiêm tốn và tôn kính. Lòng khoan dung vô biên của Chúa khiến ta chúc tụng Đấng là nguồn mọi ơn phúc trong đời sống của ta. Lời cầu nguyệncầu xin thừa nhận sự lệ thuộc của ta vào Thiên Chúa là Cha, đặc biệt nó nhắc nhớ ta quay về với Ngài với lòng ăn năn, sám hối và cầu xin ơn tha thứ. Qua lời cầu nguyện cầu bầu, ta đặt niềm tin của mình vào lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt là vào Cha là Đấng luôn quan tâm đến nhu cầu của con người. Lời cầu nguyện cảm tạ nói lên sự biết ơn mà thích hợp với mọi người trưởng thành và thật thà, đặc biệt là nó kêu gọi ta chú ý đến đến việc Chúa Giêsu cứu chuộc và làm cho ta được trở nên tự do. Cuối cùng, như Giáo lý cắt nghĩa, lời cầu nguyện ngợi khen “ca hát Chúa vì chính bản thân Ngài, tôn vinh Ngài không những vì các kỳ công của Ngài, mà còn vì Ngài là Ngài.” (số 2639).
Tóm lại, 5 hình thức cầu nguyện cho phép ta yêu mến Chúa vì những kỳ công Ngài đã tạo dựng, yêu mến Chúa vì lòng thương xót của Ngài, yêu mến Chúa vì sự hiện diện và giúp đỡ của Ngài trong cuộc sống ta, yêu mến Chúa vì sự cứu chuộc dịu dàng của Ngài, và yêu mến Chúa vì chính bản thân Ngài.
Nhưng tại sao ta nên cầu nguyện? Ta cần cầu nguyện để lòng trí ta luôn nhớ đến Ngài và trong đời sống của ta luôn có sự hiện diện quan trọng của Ngài. Như thánh Gregory thành Nazianzen nói: “Ta phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là ta thở.” Giống như ta không thể sống nếu không có hơi thở, thì ta cũng sẽ chết mòn nếu không có cầu nguyện. Cầu nguyện bảo đảm kho tàng quí giá của ta là tình bạn giữa ta và Chúa Giêsu; như Chúa đã nhắc nhở ta: “Kho tàng anh ở đâu thì lòng anh cũng ở đó” (Mt 6:21). Ta cũng nên nhớ rằng, cầu nguyện không buộc Chúa phải “cập nhật hóa” với đời sống của ta; như trong Giáo lý đã dạy: “Cha ta trên trời biết ta cần gì trước khi ta cầu xin Ngài, nhưng Ngài chờ đợi ta cầu xin vì phẩm giá của con cái Ngài ở nơi sự tự do của họ” (số 2736). Ta cần cầu nguyện để thực tập ước muốn tự do của mình trong cách thức mà do đó, nó cho ta biết sự ao ước tối hậu của ta là nên một với Chúa. Trong cầu nguyện, ta tìm ra được phẩm giá thực sự của mình, đó là ” Thiên Chúa đặt ta ở thế gian này để ta nhận biết, yêu mến và phụng sự Ngài, và do đó ta được lên thiên đàng” (số 1721). Cầu nguyện cho ta biết thực chất về giới hạn và sự yếu đuối của mình. Vì như thánh Têrêsa Lisieux, một “Bông Hoa Bé Nhỏ” chứng nhận: “Đó là cầu nguyện, đó là sự hy sinh để cho ta đầy sức mạnh; đó là những vũ khí ma quỉ không thể thắng được mà Chúa Giêsu ban cho tôi.”
Cầu nguyện thanh lọc và làm cho đời sống ta nên trong trắng khi nó gạt ra ngoài những thú vui thấp hèn, những gian trá và những lừa đảo của thế gian. Cầu nguyện cung cấp cho ta một nền tảng vững chắc để xây dựng và gọt chữa tất cả những liên hệ khác trong đời sống của ta. Cầu nguyện cảnh tỉnh rằng ta không cô đơn trong đời sống đúc tin. Cầu nguyện không chỉ kéo ta đến gần Chúa, nhưng nó còn kết hợp ta với từng người thánh thiện khác mà có lòng yêu mến Chúa giống như ta. Một cách đơn giản, cầu nguyện nhắc nhở rằng ta không thể tiến lại gần Chúa một mình được, chỉ có ai sống trong tình yêu mến mới gặp được Chúa. Ta cần nắm chắc việc cầu nguyện để tìm ra được chân lý và hạnh phúc mà ta hằng luôn kiếm tìm.