Làm Sao Để Phát Triển Một Đời Sống Cầu Nguyện Sâu Sắc Hơn?
Để hỏi câu “làm sao để phát triển một đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn?” tức là ta thực sự tìm hiểu “làm sao để ta yêu mến Chúa nhiều hơn?”
Một trong những bài luận quan trọng của mọi thời đại về việc cầu nguyện là cuốn sách nhỏ do một người ẩn danh viết vào thế kỷ thứ 14 với tựa đề Áng Mây của Kẻ Ngu Muội (The Cloud of Unknowing). Ngay trong những trang đầu của cuốn sách, tác giả cảnh tỉnh người đọc nếu họ không phó thác trọn vẹn để hoàn toàn theo Chúa Kitô. Sự tăng trưởng trong việc cầu nguyện và tình yêu mến Thiên Chúa không phải là để cho “những người hay chuyện gẫu, hay tìm kiếm điều sau trái, năng hoạt động, hoặc những người chỉ vì tính hiếu kỳ.” Nhưng hơn thế, sự tăng trưởng trong đời sống thiêng liêng, hay đời sống thuộc về Chúa Thánh Thần, đòi hỏi một sự tôn kính và tự dâng hiến xứng đáng với Thiên Chúa.
Nói như vậy có nghĩa là: Để cho ta được gần Chúa hơn trong tình yêu và trong cầu nguyện, thì ta phải nhận biết rằng chính Chúa đã đánh động ta trước để ta cầu xin Ngài ban cho ta một đời sống đức tin sâu sa. Sự ao ước đó trong ta là phản ánh sự mong muốn của chính Chúa. Chính Ngài khuyến khích để ta muốn cầu nguyện một cách có ý nghĩa và yêu mến Ngài cách xác thực hơn. Trong tất cả mọi việc ta làm để tìm kiếm tình yêu Chúa, ta được thúc đẩy bằng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Để yêu mến Chúa nhiều hơn, ta phải từ bỏ chính mình để đón nhận tình yêu của Ngài.
Như vậy, để làm cho đời sống cầu nguyện của ta sâu sắc hơn, ta phải cầu xin Chúa ban ơn cho ta. Tức là ta chủ đích muốn và trực tiếp cầu xin Chúa Giêsu yêu thương ta, vì chỉ có tình yêu Ngài mới có thể làm cho ta xứng đáng với tình yêu của Ngài. Thánh Columban có một lần cầu nguyện: “Lạy Đấng Cứu Thế mến yêu, xin gợi lên trong chúng con sự say đắm của tình yêu mà xứng hợp với Ngài là Thiên Chúa, để tình yêu Ngài lan rộng khắp trái đất, hoàn toàn làm chủ chúng con, và đổ đầy lòng trí chúng con; và như vậy, chúng con sẽ không biết bất cứ tình yêu nào khác ngoại trừ tình yêu dành cho Ngài là Đấng Vĩnh Cửu.”
Trong khi đó, ta phải có lòng ước ao để đón nhận mầu nhiệm Khôn Ngoan không thể sai lầm của Chúa hoạt động trong đời sống của mình. Sự trưởng thành trong đời sống thiêng liêng chứa đựng hoa quả thánh thiện lấy ra bằng sự từ bỏ chính mình cho chương trình của Thiên Chúa, từng giây từng phút, với lòng tin cậy và an bình đến với ta từ sự Phục Sinh của Chúa Kitô. Ta càng từ bỏ chính mình cho chân lý mà Thiên Chúa ban cho ta để ta yêu Ngài say đắm trong cuộc sống này bao nhiêu, thì ta càng cầu nguyện và thanh lọc sự liên hệ của ta với Thiên Chúa được tốt đẹp hơn bấy nhiêu. Khi đó, ta ước ao chấp nhận tất cả những gì mà Thiên Chúa ban cho ta… ngay cả thánh giá.
Tâm tình thánh hóa như vậy làm cho ta phát triển từ sự suy niệm tới một hình thức nghiêng về chiêm niệm nhiều hơn trong việc cầu nguyện. Trong suy niệm, ta chấp nhận để Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí cho ta có thể suy ngẫm về những chân lý, những mầu nhiệm, những vấn đề, những biến cố, những thử thách và những phương hướng của đức tin. Trong chiêm niệm, ngay cả khi tâm trí ta trở nên lắng đọng, một cách đơn giản, chiêm niệm là lúc ta ở cùng với người mình yêu trong thinh lặng và trong Thánh Thể yêu mến.
Nhưng không may, nó không dễ dàng để ta chặn đứng những tư tưởng của mình như vậy. Và do đó, tác giả cuốn sách Áng Mây đề nghị với ta, những người đã phó thác vào sự dẫn dắt và Khôn ngoan của Chúa, là hãy đặt tất cả những sự chia trí, những kỷ niệm, những cám dỗ, những lo lắng, và những ưu tư của mình vào trong tay Chúa. Sự chiêm niệm kêu gọi ta hãy cứ để những thứ đó biến đi hết…. cho ta được lắng đọng và hiểu biết Chúa là Thiên Chúa. Ta không thể bước vào việc cầu nguyện chiêm niệm ngoài sự xưng thú tội lỗi mà Chúa – không phải ta – là đối tượng. Thế nên Áng Mây chỉ dẫn ta làm tan biến đi những sự quấy rầy của mình “bằng cách quay về với Chúa Giêsu với lòng ước ao yêu mến Ngài.”
Chỉ có lúc đó, sự thanh quang thuộc về chiêm niệm mới có thể thực hiện được. Cũng lúc ấy, ta được tự do để chú trọng tình yêu của ta vào Chúa và an nghỉ trong sự nhận biết được sự hiện diện của Ngài bao phủ quanh ta. Nhưng dù sao, tác giả cuốn sách Áng Mây cũng cảnh tỉnh ta rằng không có gì khác lạ trong khi bắt đầu mà ta chẳng cảm thấy gì hết ngoài sự tối tăm bao quanh tâm trí ta. Có thể ta hình như biết và chẳng cảm thấy gì hết ngoại trừ một lòng nhiệt tâm hướng về Chúa trong đáy lòng ta. Và sự chiêm niệm thật sự chứa đựng những việc ấy.
Cũng trong lúc đó, sự tôn thờ và từ bỏ chính mình đòi hỏi sự trưởng thành trong Chúa Thánh Thần, nó buộc ta biến sự chiêm niệm của mình thành việc làm cụ thể bằng cách chia sẻ với tha nhân hoa quả chiêm niệm của mình. Thánh Gioan Tông đồ viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em. Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (I Gioan 3:16-17). Một người cảm phục Gerard Manley Hopkins có lần hỏi nhà thơ dòng Tên lỗi lạc: Làm sao cha ấy có thể yêu mến Chúa với lòng nhiệt thành giống như những bài thơ của Hopkins đã diễn tả một cách thật tài tình? Cha Hopkins trả lời ngay: “Hãy bố thí.” Nói cách khác, nếu ta muốn yêu mến Chúa nhiều hơn, ta phải chia sẻ với tha nhân cách quảng đại trong nhu cầu tình yêu mà Chúa đã ban cho ta.
Để kết luận, lòng ước ao làm cho đời sống cầu nguyện sâu sắc hơn là một dấu hiệu xác thực rằng ta đã nắm chắc được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đó là, như Brother Lawrence of the Resurrection nói với ta, mục đích tối hậu và ơn gọi cao nhất của con người là: “Trong khả năng mà ta có thể, hãy hãy trở nên người hoàn hảo nhất kính mến Thiên Chúa.”