Có nghĩa lý gì khi ta không nhận được những cái ta kêu cầu trong lời cầu nguyện? Để hiểu tác dụng của cầu nguyện, trước hết, ta phải có một nhận định sâu xa về tình bạn. Một người bạn chân chính luôn luôn có chủ đích đem đến cho người mình mến thương những gì họ mong muốn. Như vậy, tình bạn đích thực luôn luôn muốn sự tốt lành cho nhau. Đó không phải là tình yêu khi Thiên Chúa rộng lượng đáp lại những sự mong muốn mà ta đặt nơi Ngài khi cầu nguyện, nhưng vì Thiên Chúa đã mời gọi ta làm bạn với Ngài bằng cách dựng nên ta giống hình ảnh của Ngài.
Đặc ân của tình bạn thánh này cũng giải thích tại sao một vài đòi hỏi mà ta đặt ra trong cầu nguyện không được nhận lời. Thí dụ, bình thường thì ta muốn những cái tốt đẹp cho mình, nhưng thực ra những cái đó không phải. Có khi ta đòi hỏi những cái mà không có sự suy nghĩ chín chắn hay không có ý thức đúng đắn về hậu quả của nó. Đôi khi ta không thể thấy trước được những cái ta đòi hỏi mà nếu được nhận lời, nó sẽ có ảnh hưởng không tốt đến đời sống của ta. Như một người bạn tốt, Thiên Chúa không nhận những lời cầu khẩn mà xem ra bề ngoài có vẻ tốt, nhưng Ngài chỉ nhận những gì có ích lợi thực sự cho ta. Hơn nữa, vì người bạn này là người bạn thánh, Ngài có sự khôn ngoan để thông biết những gì tốt cho ta mà ta không thể biết được một cách chắc chắn.
Một tình bạn mà sinh hoa lợi tốt tùy thuộc vào nỗ lực cương quyết, rộng lượng từ bỏ mình, và sự liên hệ đều đặn với nhau. Sự cầu nguyện chân thật cũng như vậy. Đôi khi lời cầu không được nhận lời vì khi ta cầu nguyện, ta không cầu nguyện cách bền lòng và nhiệt tâm.Với sự lơ đễnh và không sốt sắng đến lời cầu của mình, ta có thể đánh mất động lực để đưa lời cầu của ta lên cùng Chúa. Đã là bạn thì đừng có hối bạn mình; và sự nhẹ dạ cũng như hay thay đổi lòng vẫn là kẻ thù số một của tình bạn. Cũng vậy, sự bền bỉ, kiên tâm và nhẫn nại cung cấp lương thực tinh thần cần thiết để thấy lời cầu của ta được đáp lời khi đẹp lòng Chúa.
Hơn nữa, ta càng gần bạn ta bao nhiêu, càng chú tâm và hòa hợp với họ bao nhiêu, thì ta càng dễ dàng được họ giúp đỡ những gì mà ta cần nơi họ. Trong đời sống đức tin, một khi ta không tìm đến Chúa với cả một nội tâm chiêm niệm, bằng một lòng thiết tha yêu mến và khiêm cung nhưng rắp tâm thì ta sẽ không ngạc nhiên nếu lời cầu xin của ta không được nhận lời. Tùy vào sự gần gũi và thân mật của ta với Chúa sẽ tạo ra một đường hướng thích hợp để Chúa lấp đầy những nguyện vọng mà ta đặt nơi Ngài.
Cũng thế, khi nào ta rời xa bạn mình vì một lý do nào đó, là khi ấy ta đánh mất hy vọng họ sẽ thỏa lấp những ý muốn của ta. Tội lỗi làm ta xa rời Thiên Chúa sẽ tạo nên một kết quả tương tự như thế trong đời sống cầu nguyện của mình.
Tuy nhiên, cũng có một lý do rõ ràng tại sao có lúc Thiên Chúa không nhận lời ta khẩn nguyện. Ta đã có kinh nghiệm khi từ chối một điều gì với bạn mình chỉ vì ta biết điều ấy sẽ gây tổn thương đến họ. Ta cũng có thể từ chối vì kinh nghiệm và trực giác cho ta biết có những điều đi ngược lại với yêu cầu nhưng lại có ích lợi hơn những gì mà họ đang đòi hỏi. Tương tự như vậy, đôi khi Thiên Chúa quyết định không nhận lời xin của những người mà Ngài yêu thương cách đặc biệt để cung ứng cho bạn hữu của Ngài với những cái có lợi hơn cho hạnh phúc và sự thánh thiện của họ. Những cái đó có thể ta chưa bao giờ nghĩ tới… những cái đó ta chưa bao giờ nghĩ ta có thể có được. Ý nghĩa này làm cho thánh Âu-Cơ-Tinh (Augustine) viết: “Thiên Chúa thường không nhận những gì ta mong muốn để Ngài có thể ban cho những cái mà ta mong muốn hơn.”
Năng lực của ta là sự ân cần và hữu dụng để cho bạn mình mang lại nhiều hiệu quả tốt, những hiệu quả tốt hơn cả những cái ta yêu cầu. Tình bạn hữu làm cho ta nên hoàn hảo, đầy đủ và tốt đẹp hơn. Cầu nguyện cũng giống như vậy. Áng Mây Của Kẻ Ngu Muội đã thấy rằng cầu nguyện hình như làm biến đổi con người, ngay cả hình dáng bên ngoài, để dù họ có thể không “thích”, thì cầu nguyện sẽ làm xuất hiện nơi họ sự thay đổi và thích thú. Thánh Gioan Vianney giải thích làm sao mà cầu nguyện mở rộng tấm lòng nhỏ bé của ta, làm dãn nở nó và làm cho nó có khả năng yêu mến Thiên Chúa. Và những người biết về thánh Elizabeth nước Hung Gia Lợi cũng chứng nhận rằng họ đã thấy “khuôn mặt thánh nhân chói sáng cách lạ thường và ánh sáng từ đôi mắt trông giống như những tia sáng từ mặt trời” khi thánh nhân đang cầu nguyện. Trong chúng ta, ai là bạn của Thiên Chúa thì có thể hy vọng để có được những ơn như thế trong lời cầu nguyện của mình.