Táo tây còn gọi trái bôm (bơm)
(Pomme), bình quả, bình ba, siêu phàm tử… Tên khoa học: Malus
sylvestris, M. pamila, M. domestica. Ở nước ta có sơn tra (chua chát)
cùng chi nhưng khác loài.
Táo tây là loại quả ngon được nhiều người ưa thích, dinh dưỡng cao. Có
nhiều carbohydrat (pectin…), acid malic, acid quinic và các acid hữu
cơ khác; các hợp chất thơm; các sinh tố và nguyên tố: K, P, Fe, Zn có
vai trò trong sinh trưởng và phát dục của thanh thiếu niên.
Ăn táo trong thời kỳ đầu thai nghén có tác dụng dinh dưỡng chống nôn ói
giúp ổn định cân bằng acid – kiềm. Chất pectin trong táo tây có tác dụng
làm tăng đường huyết, lợi niệu, điều hòa nhu động ruột…, là chất xơ có
tác động điều chỉnh tỷ lệ cholesterol trong máu. Một số chất trong vỏ
táo tây có tác dụng hòa vị hóa đàm, dùng cho các trường hợp đàm nhiều,
trào ngược nôn ói; các chất quercetin và các flavonoid trong vỏ quả có
tác dụng ngăn ngừa nguy cơ tai biến mạch máu…
Theo Đông y, táo tây vị ngọt, tính mát; vào phế vị. Có tác dụng sinh
tân, nhuận phế, kiện tỳ, ích vị, trừ phiền, giải độc rượu. Dùng cho các
trường hợp rối loạn tiêu hóa, ăn kém, chậm tiêu, nông ói, ợ chua, tiêu
chảy mạn tính, cảm nắng, cảm nóng, miệng khô họng khát, viêm khí phế
quản gây ho khan ít đờm, suy nhược, thiểu dưỡng sau bệnh nặng dài ngày.
Hằng ngày có thể ăn 4 – 5 trái (tùy theo trọng lượng táo) bằng cách ăn
tươi, ép nước, hầm. Xin giới thiệu một số món ăn bài thuốc từ táo tây
chữa bệnh.
Ngọc dung đan I:
Táo tây tùy lượng nấu cô thành cao đặc. Ngày ăn 1 – 2 lần. Có tác dụng
điều doanh vệ sinh tân dịch. Dùng cho trường hợp da khô mất nước, khát
nước, vã mồ hôi trộm, lòng bàn tay, bàn chân nóng (âm hư nội nhiệt).
Dùng làm thực đơn mỹ dung để dưỡng da.
Nước ép táo: Táo
ép lấy nước uống. Dùng cho các trường hợp đầy trướng bụng sau khi ăn, ở
người viêm dạ dày mạn, cắt đoạn dạ dày, hội chứng ruột ngắn sau mổ cắt
đoạn ruột.
Ngọc dung đan II:
Táo chín, gọt vỏ vắt nước, đun nhỏ lửa, thêm mật ong khuấy đều thành cao
lỏng, có tác dụng khai vị, trợ tiêu hóa, bổ tâm an thần, dưỡng khí bổ
huyết. Dùng cho các trường hợp rối loạn tiêu hóa, chán ăn.
Cháo táo: táo 1
quả, gạo tẻ 50g. Táo gọt vỏ thái lát, gạo rang chín vàng. Cho tất cả vào
nồi, thêm nước nấu cháo. Dùng cho các trường hợp chán ăn, ăn kém, suy
nhược cơ thể sau bệnh nặng dài ngày.
Trà táo gạo rang:
táo tây 30 – 60g, gạo tẻ 30g. Táo rửa sạch để nguyên vỏ thái lát, gạo
sao vàng; cho vào ấm pha trà, đổ nước sôi uống thay trà. Dùng cho các
trường hợp nhiễm độc thai nghén nôn ói, hoặc nôn ói do trào ngược thực
quản (viêm dạ dày vùng môn vị…).
Kiêng kỵ: Người
tỳ vị hư hàn (lạnh bụng, trướng bụng, đầy hơi, dễ tiêu chảy) không nên
dùng nhiều.