Tại sao lại xin lễ cho người đã qua đời

0
1236

Bạn thân mến,

Trước tiên, chúng ta cần biết rằng Ơn Thánh Chúa ban qua Thánh Lễ không gì trả được và không có gì có thể so sánh được, dĩ nhiên càng không thể dùng đến vật chất là tiền bạc để “mua”. Thánh Lễ là vô giá (tiếng Anh gọi là Invaluable). Nếu chúng ta và ngay cả linh mục nghĩ rằng tiền bạc thì đi đôi với Thánh Lễ, có nghĩa đây là sự mại thánh, là dùng vật chất để mua bán Ơn Thánh (xem Giáo Luật 947; 1380).
Bổng lễ là số tiền người xin cầu nguyện trong Thánh Lễ. Số tiền này do Tòa Giám mục địa phương ấn định và dĩ nhiên linh mục không được phép đòi hơn số tiền qui định này (Giáo Luật 952). Nhưng nếu người xin lễ nghèo đến nỗi không có khả năng trả số tiền qui định đó thì linh mục nên dâng thánh lễ theo ý người xin dù không có bổng lễ (Giáo Luật 945). Ở vùng quê Việt Nam, vẫn có những người xin Lễ qua nải chuối, con gà con vịt… vì người dân nghèo không có tiền, và linh mục vẫn dâng Lễ cho họ.

Bổng Lễ chính là sự cộng tác của giáo dân vào đời sống của Hội Thánh, đặc biệt là đời sống của các giáo sĩ. Thánh Phaolô đã cho biết: “Người lo cho các thánh vụ thì được hưởng lộc Đền Thờ, và kẻ phục vụ bàn thờ thì cũng được chia phần của bàn thờ…” (1Cor 9,13).” Bổng lễ như là tấm lòng thành và sự hy sinh để giúp cho linh hồn người đã khuất qua sự đóng góp vật chất cho sinh hoạt của Hội Thánh. Sự cộng tác này như là sự cách cụ thể vào Hội Thánh và các linh hồn đã khuất. Cũng như khi ta đến dự tiệc của ai, chúng ta tự nguyện mang rượu hay trái cây đến đóng góp cho gia đình ấy. Điều này không có nghĩa là chúng ta chỉ chú trọng về vật chất, nhưng qua vật chất, chúng ta muốn bày tỏ lòng quan tâm và nâng đỡ gia đình ấy.

Linh mục chỉ được hưởng một bổng nếu dâng nhiều Thánh Lễ trong 1 ngày. Các bổng lễ còn lại phải được chuyển về Tòa giám mục nếu là linh mục triều (Giáo Luật 951) và , nếu là Dòng thì linh mục chuyển tất cả về cho bề trên tu viện, để lo cho mục đích khác.

Để giúp ích các linh hồn, điều quan trọng hơn hết chính là sống đẹp lòng Chúa ngay hiện tại mới là cứu rỗi linh hồn của mình và tha nhân. Việc xin lễ, cầu nguyện và làm bác ái rất có ích cho những linh hồn nơi Luyện Tội (Purgatory), nhưng không có nghĩa là càng xin lễ thì linh hồn ấy càng ít ở Luyện Tội, vì Chúa vừa là Đấng xót thương, nhưng vừa là công thẳng nữa. Họ rất cần chúng ta giúp họ, vì họ bây giờ không thể làm được gì nữa. Hoàn toàn mong chờ nơi chúng ta, và họ chỉ biết sống trong hy vọng có ngày hưởng nhan thánh Chúa (bạn tham khảo về chị nha sĩ Gloria Polo, người Columbia, bị sét đánh cháy hoàn toàn, và được sống lại làm chứng về Thiên Đàng và hỏa ngục).

Vì thế, rất cần chúng ta cầu nguyện hay xin Lễ cho người đã khuất, vì khi cầu nguyện cho họ, chính chúng ta cũng sẽ được nhiều ơn ích. Tình yêu đích thực là quên chính bản thân mình và sống cho người khác, và chính khi quên mình, cũng là lúc chúng ta tìm được mạng sống mình (thánh Phanxicô). Đây chính là tình yêu trong Kitô giáo vậy. Còn đối với những linh hồn trong Hỏa Ngục, chúng ta làm gì cho họ cũng ra vô ích cho họ, vì Hỏa Ngục là nơi đã cắt đứt mọi hiệp thông đời đời với Thiên Chúa và Giáo Hội lữ hành trên trần thế này.

Kết luận, tùy thuộc vào tấm lòng thành tâm của chúng ta. Chúng ta không thể nói yêu ai mà chỉ đứng khoanh tay nhìn người ấy. Đối với linh hồn người đã khuất cũng vậy, chúng ta giúp họ bằng nhiều phương thế mà chúng ta có được, như cầu nguyện, ăn chay, làm bác ái, xin Lễ… để nài xin Lòng Thương Xót của Chúa cho người thân yêu của chúng ta được mau hưởng Nhan Thánh Ngài.

Tham khảo:
– Công Đồng Vatican II: www.catholic.org.tw/vntaiwan/vatican2/vatican2.htm
– Giáo Lý HTCG: www.giaoly.org/vn/tai-lieu/giao-ly-hoi-thanh-cong-giao
– Bộ Giáo Luật HTCG (dạng pdf): www.thanhlinh.net/node/43449